Gói thầu xây trường học ở Ân Thi (Hưng Yên): Phát sinh kiến nghị từ hồ sơ mời thầu lệch chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vừa hoàn tất trao hợp đồng, Gói thầu Thi công xây dựng công trình nhà lớp học 2 tầng (8 phòng) và một số hạng mục phụ trợ thuộc Dự án Trường THCS Phạm Huy Thông, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã “vấp” kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu kiến nghị cho rằng, Gói thầu có nhiều bất cập từ khâu lập hồ sơ mời thầu (HSMT) đến đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).
Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Trường THCS Phạm Huy Thông, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên được trao cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Minh Đức Hưng Yên. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Trường THCS Phạm Huy Thông, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên được trao cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Minh Đức Hưng Yên. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên có giá 8,236 tỷ đồng, phát hành HSMT rộng rãi qua mạng từ ngày 17 - 27/11/2023, do UBND thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi làm Chủ đầu tư, giao Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng TPC tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT.

Ngày 14/12/2023, UBND thị trấn Ân Thi ra quyết định phê duyệt Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Minh Đức Hưng Yên trúng thầu với giá 8,224 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 360 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Theo báo cáo đánh giá HSDT, trong số 2 nhà thầu tham dự còn lại, Công ty CP Đầu tư công nghệ và Xây dựng VNG bị loại do HSDT không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về biện pháp bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào, thiết bị máy móc để phục vụ công tác thi công. Công ty CP Việt Phương dừng bước tại vòng đánh giá kỹ thuật do không đạt đánh giá về uy tín của nhà thầu. Cụ thể, HSDT của Nhà thầu không cung cấp đủ 3 hợp đồng thi công xây dựng công trình dân dụng và không kèm theo biên bản nghiệm thu hết thời gian bảo hành công trình hoặc văn bản xác nhận hoàn thành bảo hành công trình của chủ đầu tư theo yêu cầu của HSMT.

Không đồng tình với lý do bị loại, ngày 21/12/2023, Công ty CP Việt Phương đã có văn bản kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đơn kiến nghị, Nhà thầu Việt Phương khẳng định, xét về năng lực thực hiện hợp đồng tương tự, Nhà thầu có nhiều hơn 3 hợp đồng thi công xây dựng công trình dân dụng, cấp III. Tuy nhiên, tại gói thầu này, Nhà thầu chỉ đề xuất 2 hợp đồng tương tự theo đúng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm quy định tại Chương III của HSMT. Mặt khác, yêu cầu về hợp đồng tương tự thuộc về tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm, không thuộc tiêu chuẩn kỹ thuật (uy tín nhà thầu), chưa nói đến công tác bảo hành công trình không liên quan đến uy tín của nhà thầu. Do đó, việc Bên mời thầu đưa yêu cầu về số lượng hợp đồng tương tự kèm các tài liệu chứng minh/xác nhận hoàn thành bảo hành công trình để đánh giá uy tín nhà thầu là không tuân thủ hướng dẫn lập HSMT tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

Cũng theo Công ty CP Việt Phương, trong quá trình đánh giá HSDT, nhận thấy nội dung nêu trên chưa đáp ứng, Tổ chuyên gia cũng không yêu cầu Nhà thầu bổ sung thêm hợp đồng tương tự. “Điều này đặt ra câu hỏi quá trình lựa chọn nhà thầu có thực sự minh bạch, cạnh tranh?”, Nhà thầu băn khoăn.

Phúc đáp kiến nghị của Nhà thầu, Chủ đầu tư cho biết, nhà thầu Việt Phương bị loại ở bước đánh giá về kỹ thuật tại mục uy tín của nhà thầu. Cụ thể, HSMT quy định rõ, nhà thầu được đánh giá “đạt” khi đáp ứng tất cả các yêu cầu: có 3 hợp đồng thi công xây dựng công trình dân dụng cấp III trở lên kèm theo các tài liệu chứng minh; nhà thầu không có hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu và bị xử phạt; chưa từng bị cấm đấu thầu ở bất kỳ địa phương, cơ quan nào trên toàn quốc; không có gói thầu nào đã tham dự nhưng không tiến hành thương thảo hợp đồng theo quy định; không có gói thầu nào đã tham dự mà khi có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng theo quy định; không bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; không bị cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị nào kết luận, đánh giá có hành vi không trung thực theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu khi tham dự thầu. Như vậy, việc Nhà thầu không đáp ứng một yêu cầu bất kỳ trong các yêu cầu trên dẫn đến bị đánh giá không đạt. Cũng theo Chủ đầu tư, tại bước đánh giá về kỹ thuật, Tổ chuyên gia nhận thấy HSDT của Nhà thầu đã rõ ràng nên không yêu cầu làm rõ, bổ sung tại bước đánh giá này.

“Ngoài ra, theo quy định tại Điều 26 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT, nhà thầu có trách nhiệm nghiên cứu HSMT để chuẩn bị HSDT cho phù hợp với yêu cầu. Trường hợp phát hiện HSMT có các nội dung không rõ ràng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc chuẩn bị HSDT thì nhà thầu phải yêu cầu làm rõ để chủ đầu tư, bên mời thầu sửa đổi cho phù hợp. Công ty CP Việt Phương chưa làm hết trách nhiệm của nhà thầu tham dự khi không có ý kiến về HSMT tại thời điểm mời thầu, Do đó, Chủ đầu tư không chấp nhận nội dung kiến nghị của Nhà thầu”, UBND thị trấn Ân Thi phúc đáp.

Về phía Công ty CP Việt Phương, Nhà thầu cho biết sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đề nghị xem xét lại toàn bộ quá trình mời thầu và đánh giá HSDT trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Liên quan đến uy tín nhà thầu, Báo Đấu thầu đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng các chủ đầu tư, bên mời thầu tự ý chỉnh sửa, thêm vào HSMT loạt tiêu chí nằm ngoài phạm vi quy định của pháp luật về đấu thầu để đánh giá kỹ thuật (uy tín nhà thầu), gây bức xúc, kiến nghị kéo dài.

Chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc đưa các tiêu chí “phi kỹ thuật” như “số lượng hợp đồng tương tự” vào tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật để loại nhà thầu là không đúng quy định. Với những trường hợp HSMT có các nội dung dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, bên mời thầu, tổ chuyên gia không được loại bỏ HSDT không đáp ứng các nội dung này theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

Chuyên đề