Gói thầu xây kè chống sạt lở tại Cần Thơ: Chỉ dành cho nhà thầu từng thi công tại miền Tây?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ) vừa phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. HSMT có tiêu chí “khó nhằn” mà chỉ nhà thầu từng thi công công trình tương tự tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới rộng cửa dự thầu.
Gói thầu Thi công xây lắp kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) có giá 150,714 tỷ đồng. Ảnh: Tâm An
Gói thầu Thi công xây lắp kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) có giá 150,714 tỷ đồng. Ảnh: Tâm An

Yêu cầu hợp đồng tương tự tại Đồng bằng sông Cửu Long

Dự án nói trên sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu có giá 150,714 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 720 ngày, hợp đồng theo đơn giá cố định.

HSMT do Công ty CP Đầu tư xây dựng tư vấn tổng hợp ABC (địa chỉ tại TP. Cần Thơ) lập, được phát hành từ ngày 6/4 đến ngày 27/4/2021.

Phản ánh đến Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, HSMT gói thầu trên có tiêu chí tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng, gây bất lợi cho nhiều nhà thầu trong lĩnh vực đê, kè thủy lợi.

Cụ thể, trong tiêu chí đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm, phần kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp, HSMT yêu cầu nhà thầu có 1 hợp đồng kè bảo vệ bờ sông tại khu vực ĐBSCL có chiều dài tuyến kè 1.500 m, kết cấu tường chắn bê tông cốt thép trên hệ cọc, tiết diện cọc 30x30 cm, có giá trị phần xây lắp tương tự gói thầu đang xét 135 tỷ đồng.

Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, theo quy định pháp luật về đấu thầu, HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham dự của các nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Việc HSMT “địa phương hóa” các hợp đồng tương tự nhà thầu phải cung cấp với tiêu chí đạt/không đạt là rào cản rất lớn đối với sự cạnh tranh, công bằng.

Trong phần ghi chú, Bên mời thầu một lần nữa diễn giải, hợp đồng tương tự về bản chất và độ phức tạp là kè bảo vệ bờ sông tại khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, toàn bộ nhân sự của nhà thầu phải đáp ứng công việc tương tự bằng ít nhất 1 công trình tương tự với công trình mời thầu. Cụ thể, từ chỉ huy trưởng công trình đến phụ trách kỹ thuật thi công hạng mục kè, phụ trách kỹ thuật thi công hạng mục đường giao thông, phụ trách hệ thống điện, thoát nước, xe máy công trình, trắc đạc… đều phải từng thi công công trình kè bảo vệ bờ sông tại khu vực ĐBSCL thì mới đáp ứng yêu cầu.

Theo các nhà thầu, tiêu chí “vùng miền” trên đi ngược với tinh thần của Luật Đấu thầu và Chỉ thị số 47/CT-TTg về chấn chỉnh công tác đấu thầu.

Bên mời thầu nói gì?

Ngày 7/4/2021, trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi đưa ra yêu cầu trên vì hiểu rằng, đặc thù của vùng ĐBSCL khác hoàn toàn với các vùng, miền khác. Các yếu tố như địa chất, địa lý, dòng chảy của mỗi vùng là khác nhau. Do đó, HSMT đưa ra tiêu chí này là hợp lý”.

Về việc các nhà thầu cho rằng, địa hình của Việt Nam nhiều sông ngòi, chỉ lựa chọn nhà thầu từng thi công tại ĐBSCL là hạn chế nhà thầu vì rất nhiều nhà thầu đủ năng lực, có khả năng cạnh tranh cao nhưng chỉ có kinh nghiệm ở các vùng khác như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ… sẽ bị loại, Bên mời thầu cho rằng: “ĐBSCL có đến 13 tỉnh, thành phố thì không thể gọi là hạn chế được. Chúng tôi đưa ra tiêu chí này nhằm chặt chẽ hơn, kỹ lưỡng hơn trong lựa chọn nhà thầu. Kè tại các khu vực khác về cơ bản là không thể giống khu vực ĐBSCL”.

Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, theo quy định pháp luật về đấu thầu, HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham dự của các nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Việc HSMT “địa phương hóa” các hợp đồng tương tự nhà thầu phải cung cấp với tiêu chí đạt/không đạt là rào cản rất lớn đối với sự cạnh tranh, công bằng. “Chỉ cần tương tự về quy mô, tính chất với gói thầu đang mời là phải đánh giá đạt. Không thể vì những lý do nào khác để tự tiện đưa ra những rào cản như trên dẫn tới bức xúc cho các nhà thầu”, vị chuyên gia trên khẳng định.

Chuyên đề