Gói thầu xây đường liên xã tại Trùng Khánh (Cao Bằng): Xây dựng 154 “phản pháo”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Đường liên xã Đoỏng Có - Khuổi Luông (xã Cao Chương) - Nà Thấu (thị trấn Trà Lĩnh), huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đối mặt kiến nghị của nhà thầu. Trong đơn kiến nghị, Công ty CP Đầu tư xây dựng 154 cho rằng, việc Chủ đầu tư không yêu cầu làm rõ đã loại nhà thầu là chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 4,389 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 7/5 - 17/5/2024, do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu; Công ty TNHH UCE tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Theo kết quả được Chủ đầu tư phê duyệt, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng HNT Việt Nam trúng thầu với giá 4,382 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư xây dựng 154 bị loại do không có cam kết về uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng thi công xây dựng trước đó (kể từ ngày 1/1/2019 đến thời điểm đóng thầu).

Trong đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư ngày 5/6/2024, Công ty CP Đầu tư xây dựng 154 lý giải, liên quan đến uy tín, “Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật” thuộc Chương III, HSMT quy định mức độ đáp ứng đối với uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện hợp đồng thi công xây dựng trước đó (kể từ ngày 1/1/2019) đến thời điểm đóng thầu như sau: Không có hợp đồng thi công xây dựng chậm tiến độ hoặc bỏ dở do lỗi của nhà thầu (đạt); Có một hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở do lỗi của nhà thầu nhưng lại có hợp đồng tương tự khác được giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng (chấp nhận được); Có hợp đồng thi công xây dựng chậm tiến độ hoặc bỏ dở do lỗi của nhà thầu và không có hợp đồng tương tự nào được giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng (không đạt).

Do HSMT không yêu cầu nhà thầu phải cam kết về nội dung này bằng văn bản cam kết, nên Nhà thầu chỉ kê khai thông tin theo mẫu trên webform. Việc Bên mời thầu căn cứ vào lý do không đính kèm cam kết trong HSDT để đánh giá “không đạt” ở tiêu chí này là chưa đúng với yêu cầu của HSMT.

Mặt khác, tại nội dung đánh giá uy tín nhà thầu thuộc mục Bảo hành, Nhà thầu đã cam kết về uy tín thể hiện qua kinh nghiệm và các hợp đồng thi công trong vòng 5 năm (2019, 2020, 2021, 2022, 2023) trở lại đây. Đồng thời, khoản d Điều 17 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định, thông tin về uy tín của nhà thầu trong việc tham dự thầu bao gồm thông tin về các hành vi vi phạm trong quá trình tham dự thầu quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định này. Đối chiếu khoản 1 Điều 18, Nhà thầu nhận thấy hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí về uy tín mà HSMT đã nêu ra tại mục 3, Chương III.

Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư xây dựng 154 cho rằng, theo chỉ dẫn tại Chương I - HSMT: “Đối với yêu cầu về cam kết, hợp đồng nguyên tắc, trường hợp HSDT không đính kèm các tài liệu này thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ HSDT, bổ sung tài liệu trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc để làm cơ sở đánh giá HSDT”. Tuy nhiên, kể từ khi đóng thầu (ngày 17/5/2024) đến thời điểm công bố kết quả, Nhà thầu không nhận được bất kỳ yêu cầu làm rõ nào. “Do đó, việc Tổ chuyên gia kết luận chúng tôi không đạt ở tiêu chí uy tín một cách vội vàng là chưa đúng tinh thần cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu”, Công ty CP Đầu tư xây dựng 154 nhấn mạnh.

Ngày 18/6/2024, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Tổ chuyên gia đấu thầu (Công ty TNHH UCE) cho rằng, do tiêu chí về uy tín của nhà thầu thuộc các tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, nên việc cho phép nhà thầu bổ sung, làm rõ đối với nội dung này có thể dẫn đến sự sai khác so với yêu cầu nêu trong HSMT, hay bỏ sót nội dung cơ bản trong HSDT, ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh giữa các nhà thầu.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, pháp luật hiện hành cho phép nhà thầu có quyền bổ sung, thay thế, làm rõ các thông tin đã kê khai nhằm chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật tại HSDT, trong đó có các dạng cam kết, ngay cả khi các cam kết này nằm trong nội dung đánh giá về kỹ thuật. Trường hợp nhận thấy các nội dung này tại HSDT chưa bảo đảm, bên mời thầu phải yêu cầu làm rõ và cho phép nhà thầu bổ sung. Trường hợp hết hạn làm rõ mà nhà thầu không bổ sung, làm rõ theo yêu cầu, hoặc đã bổ sung, làm rõ nhưng không đáp ứng yêu cầu, thì bên mời thầu mới có cơ sở loại HSDT.

Theo quan sát của Báo Đấu thầu, thời gian gần đây phổ biến tình trạng chủ đầu tư, bên mời thầu tự ý bỏ qua một số nội dung mà nhà thầu được phép bổ sung, làm rõ theo quy định pháp luật, khiến nhà thầu bị loại một cách “ấm ức”, từ đó phát sinh không ít kiến nghị trong đấu thầu.

Chuyên đề