Hạng mục thang máy tải khách, HSMT yêu cầu sử dụng hệ thống điều khiển tốc độ vô cấp bằng hệ thống biến đổi tần số và điện áp VVVF Yaskawa - Japan. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu có giá dự toán được phê duyệt 8,419 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 43,952 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách tỉnh Ninh Thuận, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, qua mạng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, trực tiếp mời thầu. Tư vấn lập HSMT là Công ty TNHH Xây dựng Khoa Kim (địa chỉ tại tỉnh Ninh Thuận).
Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, HSMT của Gói thầu số 25 được xây dựng với nhiều tiêu chí kỹ thuật không đồng nhất với nhau, nhập nhèm, gây khó hiểu, chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu hiện hành. Thêm vào đó, HSMT được trình bày với hình thức cẩu thả, gây khó khăn cho việc tiếp cận của các nhà thầu.
Cụ thể, Chương V của HSMT quy định về các tiêu chí kỹ thuật (Phần cơ điện), tại hạng mục thang máy tải khách, HSMT yêu cầu sử dụng hệ thống điều khiển tốc độ vô cấp bằng hệ thống biến đổi tần số và điện áp VVVF Yaskawa - Japan (xuất xứ từ Nhật Bản).
Cũng tại Chương V (Phần mạng kỹ thuật cao), HSMT tiếp tục nêu đích danh tên thương hiệu mà không thêm cụm từ “hoặc tương đương” đối với 2 mục hàng hóa là Cổng từ 2 lối đi MM Sentry Knogo MM1 và Phần mềm quản lý thư viện Azlib.
Nhà thầu chỉ ra rằng, việc nêu cụ thể tên thương hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT nhưng không thêm cụm từ “hoặc tương đương” là chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu hiện hành.
Không những bị “tố” nêu đích danh xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, HSMT Gói thầu số 25 còn được xây dựng với những nội dung thiếu sự đồng nhất. Đơn cử như tại Chương V (Phần mạng kỹ thuật cao) yêu cầu Phần mềm quản lý thư viện là Azlib, trong khi đó, Bảng tiến độ cung cấp chi tiết các danh mục hàng hóa lại đề cập Phần mềm quản lý thư viện điện tử - thư viện số là EMICLIB. Như vậy, HSMT chọn giải pháp phần mềm nào trong 2 phần mềm nêu trên để mời thầu là câu hỏi cần đặt ra cho Bên mời thầu.
Đó là về nội dung, còn về hình thức, HSMT cũng được trình bày một cách cẩu thả, không rõ ràng, khi số trang được đánh lộn xộn, không đúng thứ tự (cụ thể, HSMT đánh số thứ tự trang từ 1 đến 79, tiếp theo đó là trang 38 đến trang cuối là 117), cùng với đó là lỗi đánh số thứ tự các hạng mục thiết bị hàng hóa, gây khó khăn trong việc tìm kiếm và đối chiếu.
Gói thầu sau đó được mở với sự tham dự của nhà thầu duy nhất là Công ty CP Quốc tế MBA. Nhà thầu này được lựa chọn trúng thầu với giá trúng thầu 7,931 tỷ đồng, giảm giá 5,7%.
Một chuyên gia đấu thầu khẳng định, phản ánh của Nhà thầu là có cơ sở, bởi, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, việc nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi là một trong những hành vi bị cấm.
Theo đó, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Chỉ thị 47/CT-TTg chỉ cho phép HSMT được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa quá đặc thù, không thể mô tả chi tiết, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc xây dựng HSMT với những lỗi không đáng có về hình thức không những gây khó khăn cho các nhà thầu khi tiếp cận, đồng thời cho thấy sự thiếu nghiêm túc và chuyên nghiệp trong công tác đấu thầu của Chủ đầu tư/Bên mời thầu.