Gói thầu thiết bị dạy học tại Long An: Tranh cãi yêu cầu đĩa DVD hướng dẫn sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học cho các trường mầm non năm 2024 thuộc dự án cùng tên do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đang phát sinh nhiều yêu cầu làm rõ lẫn kiến nghị của nhà thầu.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu phụ kiện đối với bộ sa bàn giao thông là đĩa DVD về giao thông và hướng dẫn sử dụng đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp giấy phép xuất bản. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Hồ sơ mời thầu yêu cầu phụ kiện đối với bộ sa bàn giao thông là đĩa DVD về giao thông và hướng dẫn sử dụng đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp giấy phép xuất bản. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu nêu trên có giá 9,295 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 15 - 24/5/2024. Gói thầu phát sinh 3 văn bản đề nghị làm rõ và 2 văn bản kiến nghị của các nhà thầu. Trong các nội dung nhà thầu phản ánh, nổi bật là yêu cầu kỹ thuật tại khoản b, mục 1.2 Chương V-STT60-Bộ sa bàn giao thông. Theo đó, HSMT yêu cầu phụ kiện đối với bộ sa bàn giao thông là “đĩa DVD về giao thông và hướng dẫn sử dụng đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp giấy phép xuất bản”. Bên cạnh đó, Chương V-STT70-Lịch của trẻ (vải) cũng yêu cầu “đĩa DVD hướng dẫn sử dụng đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp phép xuất bản”.

Theo nhà thầu, đĩa DVD là sản phẩm trí tuệ, bao gồm phần cứng và phần mềm, là sản phẩm độc lập và có quy định riêng tại Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản nhưng lại được lồng ghép vào thành phụ kiện của một sản phẩm thông dụng trên thị trường. Hơn nữa, sản phẩm đĩa DVD này cũng không nằm trong danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non tại Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một nhà thầu khác cho rằng, sản phẩm bộ sa bàn giao thông, lịch của trẻ và các sản phẩm theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT là sản phẩm được bán rộng rãi trên thị trường từ rất lâu. Việc HSMT yêu cầu có đĩa DVD là phụ kiện của sản phẩm nhằm mục đích hướng dẫn sử dụng là không phù hợp. “Mọi sản phẩm đều được hướng dẫn sử dụng, tập huấn, đào tạo, chuyển giao trong quá trình nhà thầu bàn giao, nghiệm thu sản phẩm”, văn bản của nhà thầu cho biết.

Ngày 20/5/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An có văn bản trả lời nhà thầu, trong đó cho rằng, đĩa DVD thường được sử dụng như một phụ kiện bổ sung để cung cấp nội dung kèm theo sản phẩm khác. Đĩa DVD là một phương tiện lưu trữ và truyền tải dữ liệu, không phải một sản phẩm trí tuệ tự thân. Do đó, coi đĩa DVD là một sản phẩm trí tuệ độc lập không hoàn toàn chính xác. Vì là phương tiện truyền tải nội dung nên nội dung cần được thẩm định trước, đặc biệt áp dụng trong môi trường giáo dục nên bắt buộc phải có giấy phép xuất bản. Mặc dù đĩa DVD không nằm trong danh mục của Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT, nhưng không có nghĩa là DVD không được sử dụng là phụ kiện, công cụ và tài liệu bổ sung ngoài danh mục để hỗ trợ quá trình dạy và học.

Trả lời của Bên mời thầu (BMT) khiến các nhà thầu bức xúc và phản biện, hướng dẫn sử dụng đi kèm sản phẩm có thể có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, bất thường ở đây là “hướng dẫn sử dụng phải là đĩa DVD được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp giấy phép xuất bản”. Hiểu đúng bản chất, hướng dẫn sử dụng sản phẩm của một doanh nghiệp phải được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép xuất bản. Đồng thời, BMT khẳng định đĩa DVD là một phương tiện lưu trữ và truyền tải dữ liệu, không phải một sản phẩm trí tuệ tự thân, vậy tại sao đĩa DVD hướng dẫn sử dụng phải được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép, tại sao bắt buộc phải là DVD chứ không phải một dạng khác (VCD, USB…)?

Ngày 23/5/2024, BMT tiếp tục có văn bản trả lời những nội dung kiến nghị từ phía nhà thầu. BMT tiếp tục bảo lưu quan điểm và cho rằng, việc có tài liệu hướng dẫn đi kèm như đĩa DVD là rất cần thiết để đảm bảo người dùng có thể hiểu và sử dụng sản phẩm đúng quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cung cấp thiết bị giáo dục cho biết, nội dung kiến nghị của nhà thầu cần được BMT xem xét thấu đáo, khách quan để đảm bảo tính cạnh tranh. “Với yêu cầu của HSMT, nhà thầu sẽ không hiểu phải xin các chứng nhận thẩm định nội dung và giấy phép xuất bản ở cơ quan nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Giao thông vận tải? Thời gian để được cấp các chứng nhận này có phù hợp với thời gian phát hành HSMT?”, một nhà thầu đặt câu hỏi.

Mặt khác, một số nhà thầu cho rằng, đĩa DVD phụ thuộc vào thiết bị đọc đĩa DVD - một thiết bị đắt tiền, hay trục trặc kỹ thuật. Thiết bị đọc đĩa DVD hiện không còn được các trường học sử dụng nhiều do không phù hợp, thậm chí lãng phí. Tại nhiều địa phương, khi làm việc với các trường, chính các hiệu trưởng đã đề xuất bỏ thiết bị đọc đĩa DVD ra khỏi danh mục từ lâu do không phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh hiện tại, có rất nhiều phương tiện lưu trữ và truyền tải dữ liệu tiện ích hơn, hiệu quả kinh tế và phù hợp hơn.

Chuyên đề