Công ty CP Phát triển công trình viễn thông (Telcom) trúng Gói thầu xây lắp tại Viễn thông Hà Nội với giá 2,13 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Telcom |
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty CP Phát triển công trình viễn thông (Telcom) trúng thầu với giá 2,13 tỷ đồng sau khi vượt qua 2 đối thủ.
Đây là Gói thầu do Viễn thông Hà Nội làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án công trình thông tin 1 - Viễn thông Hà Nội mời thầu, sử dụng nguồn vốn khấu hao tài sản cố định. Giá dự toán của Gói thầu là 2,41 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Tại đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu, một nhà thầu bị loại bày tỏ nghi vấn về việc thiếu cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà thầu do lo ngại Telcom không thuộc đối tượng hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu.
Cụ thể, theo nhà thầu kiến nghị, Telcom có lịch sử hình thành và phát triển hàng chục năm, niêm yết trên sàn chứng khoán (mã chứng khoán: TEL), nghĩa là Telcom có thể là một doanh nghiệp (DN) lớn. Trong khi đó, Bảng dữ liệu đấu thầu của HSMT nêu rõ yêu cầu điều kiện về cấp DN tham gia lựa chọn nhà thầu là “DN cấp nhỏ hoặc siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về DN”. Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu làm rõ việc Telcom có hay không đáp ứng tiêu chí về điều kiện cấp DN.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Quang Thắng, thành viên Tổ chuyên gia chấm thầu thuộc Bên mời thầu khẳng định: “Nhà thầu trúng thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT. Công ty CP Phát triển công trình viễn thông là DN nhỏ theo quy định của pháp luật về DN”.
Làm rõ tư cách hợp lệ của Telcom, theo Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Tổ chuyên gia chấm thầu đã yêu cầu Telcom làm rõ sự sai khác số liệu tổng doanh thu năm trước liền kề nêu tại Tờ khai xác định DN nhỏ kèm HSDT với số liệu tổng doanh thu năm 2021 kê khai tại Biểu mẫu dự thầu cũng như báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán được Nhà thầu gửi kèm HSDT. Kết quả làm rõ đánh giá nhà thầu này đáp ứng yêu cầu về cấp DN là nhà thầu nhỏ, doanh thu hàng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh 3 năm gần đây là hơn 43 tỷ đồng.
Chánh văn phòng Telcom Nguyễn Ngọc Trìu cũng cam kết với Báo Đấu thầu: “Công ty chúng tôi là DN nhỏ, đáp ứng yêu cầu của HSMT. Hiện Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, có 44 lao động tham gia đóng bảo hiểm…”.
Về băn khoăn Biên bản Đại hội đồng cổ đông thường niên của Telcom có đề cập vấn đề tăng vốn, ông Trìu lý giải, đúng là trong Biên bản, Công ty có đề cập đến kế hoạch tăng vốn, song DN chưa thực hiện.
Theo tìm hiểu, Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm được Telcom gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 17/8/2022 cho biết, DN có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Thông tin đăng ký doanh nghiệp của Telcom cập nhật trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia mới nhất (ngày 24/9/2021) cũng thông báo Telcom có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Với tình huống này, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, căn cứ vào các thông tin, quy định của pháp luật về đấu thầu và DN, trong trường hợp này, Bên mời thầu đã lựa chọn nhà thầu trúng thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT, trong đó có điều kiện là DN nhỏ. Hơn nữa, theo xếp hạng về giá dự thầu, Telcom xếp thứ nhất với giá dự thầu cạnh tranh nhất so với 2 nhà thầu cùng tham dự thầu.
Theo chuyên gia này, pháp luật về đấu thầu có quy định ưu đãi cho DN nhỏ và vừa tham gia lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, DN nhỏ và siêu nhỏ được hưởng ưu đãi trong việc lựa chọn nhà thầu lĩnh vực thi công xây lắp của các gói thầu có quy mô nhỏ hơn 5 tỷ đồng.
Về tiêu chí xác định DN nhỏ và siêu nhỏ, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định: “DN nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng”.