Gói thầu mua thuốc tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Tập đoàn Merap có bị loại oan?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tham dự Gói số 1 Gói thầu thuốc generic thuộc Dự toán Cung cấp thuốc năm 2023 - 2024 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên với niềm tin vào tiềm lực tài chính cũng như năng lực sản xuất thuốc, Công ty CP Tập đoàn Merap ngỡ ngàng trước lý do bị loại vì không phải là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ trong hợp đồng tương tự.
Phần/lô thuốc mà Tập đoàn Merap tham dự không có nhà thầu trúng thầu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phải hủy thầu Ảnh minh họa: Tiên Giang
Phần/lô thuốc mà Tập đoàn Merap tham dự không có nhà thầu trúng thầu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phải hủy thầu Ảnh minh họa: Tiên Giang

Dự toán Cung cấp thuốc năm 2023 - 2024 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (tổng dự toán 293,465 tỷ đồng) được chia thành 4 gói thầu, trong đó Gói số 1 Gói thầu thuốc generic có giá 251,319 tỷ đồng với 658 phần/lô. Trong số 95 nhà thầu tham dự Gói số 1, có 85 nhà thầu trúng thầu cung cấp 515 mặt hàng, 143 phần/lô không có nhà thầu trúng thầu vì không có nhà thầu tham dự, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, hoặc chào vượt giá kế hoạch.

Đối với Công ty CP Tập đoàn Merap, Nhà thầu bị loại vì “không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật”, cụ thể là vai trò của Nhà thầu trong hợp đồng tương tự (HĐTT) “không phải nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ”.

Theo tìm hiểu, để chứng minh khả năng thực hiện đối với phần/lô thuốc thuộc Gói số 1, Nhà thầu Merap đề xuất 3 HĐTT kèm theo hoá đơn mua bán thuốc với nhà phân phối và 1 HĐTT với một cơ sở y tế (CSYT) công lập thực hiện trong năm 2023 - 2024. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), Tổ chuyên gia đấu thầu đề nghị Nhà thầu Merap bổ sung HĐTT khác, vì cho rằng 3 HĐTT mua bán thuốc chỉ là hợp đồng thương mại giữa Merap - nhà sản xuất thuốc với nhà phân phối, Merap không phải là “nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ”; HĐTT với CSYT thực hiện trong năm 2023 - 2024 “không phải là HĐTT đã hoàn thành trong năm 2020, 2021 và 2022 đúng như yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT)”.

Sau đó, Nhà thầu đã bổ sung 3 HĐTT kèm theo hoá đơn bán hàng với các CSYT thực hiện trong năm 2023 - 2024 và mỗi hợp đồng đều có giá trị lớn hơn gói thầu đang xét. Nhưng một lần nữa, Bên mời thầu từ chối vì 3 HĐTT mới bổ sung “không phải là hợp đồng đã hoàn thành trong năm 2020, 2021 và 2022”.

Rốt cuộc phần/lô thuốc mà Merap tham dự không có nhà thầu trúng thầu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phải hủy thầu.

Đại diện Nhà thầu Merap cho biết, tính đến thời điểm đóng thầu, các hoá đơn bán hàng đều thể hiện giá trị khối lượng công việc đã thực hiện của các HĐTT với CSYT vượt 70% gói thầu đang xét như: hợp đồng với Trung tâm Y tế quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) ký ngày 20/4/2023, thực hiện năm 2023 - 2024, nhưng đã hoàn thành 100% khối lượng công việc, giá trị thực hiện cao gấp 3 lần gói thầu đang xét...

Mặt khác, theo đại diện Nhà thầu Merap, Merap có nhà máy sản xuất tại Hưng Yên và cung cấp sản phẩm ra thị trường từ đầu những năm 2000. Trong những năm qua, Merap ký hợp đồng cung cấp thuốc với 1 nhà phân phối là Công ty CP Dược Pha Nam và các mặt hàng thuốc của Merap đã trúng thầu ở nhiều CSYT thông qua Nhà thầu Dược Pha Nam. Đầu năm 2023, Merap đã mua lại toàn bộ cổ phần của Dược Pha Nam để làm chủ chuỗi cung ứng.

Với năng lực trên, đại diện Merap cho rằng, Nhà thầu tự tin đáp ứng tốt các yêu cầu của Gói thầu, nhưng với điều kiện phải là “nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ” và cách đánh giá HSDT cứng nhắc “phải là hợp đồng đã hoàn thành trong năm 2020, 2021 và 2022” mà không xét đến thời điểm đóng thầu 2/8/2023), thì những nhà sản xuất thuốc như Merap không “có cửa” trúng thầu.

Phản hồi với Báo Đấu thầu, đại diện Bên mời thầu giải thích, cả 2 yêu cầu này đều được ghi rõ trong HSMT. HSMT được lập theo hướng dẫn tại Mẫu số 7B Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, trong đó các biểu mẫu kê khai thông tin về nhà thầu, bảng tổng hợp HĐTT đều dẫn chiếu thực hiện theo Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2019/TT-BYT.

Bình luận về tình huống này, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc yêu cầu nhà thầu cung cấp HĐTT là nhằm chứng minh thực lực của nhà thầu trong quá khứ, đảm bảo khả năng thực hiện gói thầu đang xét nếu trúng thầu. So với các hợp đồng đã thực hiện của 3 năm trước, hợp đồng thực hiện tính đến thời điểm gần nhất so với thời điểm đóng thầu càng thể hiện rõ hơn năng lực hiện tại của nhà thầu. Bên mời thầu không xem xét những HĐTT như vậy là quá cứng nhắc, bỏ qua nhà thầu có năng lực thực sự.

Theo một số chuyên gia về y tế và đấu thầu, một trong những điểm mới của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT là phân định rõ 2 đối tượng nhà thầu cung cấp hàng hoá để đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Đối với nhà thầu không phải là nhà sản xuất ra hàng hoá thuộc phạm vi của gói thầu, nhà thầu phải cung cấp tối thiểu 1 HĐTT với tư cách nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ thực hiện trong 3 - 5 năm đến thời điểm đóng thầu. Đối với nhà thầu là nhà sản xuất ra hàng hoá, nhà thầu phải cung cấp tài liệu chứng minh năng lực sản xuất hàng hoá tương tự về tính chất với hàng hoá thuộc gói thầu đáp ứng yêu cầu về sản lượng trung bình tối thiểu của một tháng trong năm gần nhất so với thời điểm đóng thầu.

“Mục đích phân định rõ như vậy là để tạo sân chơi công bằng cho các nhà thầu cũng như không bỏ sót nhà thầu có năng lực. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Thông tư số 15/2019/TT-BYT, Bộ Y tế cần cập nhật, bổ sung quy định đối với trường hợp nhà thầu là nhà sản xuất trong nước, bởi thuốc cũng là một loại hàng hoá”, một chuyên gia khuyến nghị.

Chuyên đề