Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP |
Đây là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.
Lý do DNNVV chưa tiếp cận hiệu quả vốn ngân hàng
Theo Thống kê, các DNNVV chiếm tỉ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nhưng đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.
Thực tế, thời gian qua, ngoài dựa vào nguồn vốn tự có, trong khi thị trường chứng khoán chưa thật sự phát triển, các DNNVV của Việt Nam vẫn dựa phần lớn vào vốn ngân hàng.
Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các DNNVV phát triển. Trong đó, các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ nhấn mạnh về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh và các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, mới đây, thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, căn cứ cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, từ tháng 7/2017, NHNN đã điều chỉnh đối với các DNNVV giảm 0,5% mức lãi suất này từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp tại các địa phương được triển khai với tổng số tiền cam kết và giải ngân hàng trăm nghìn tỷ đồng riêng trong năm 2017.
TS .Cấn Văn Lực cho rằng, mặt lãi suất của thời gian qua đã giảm khá nhiều và ở mức tương đối thấp trong khu vực, nếu so sánh mức chênh với lạm phát thực tế.
Theo thống kê của NHNN, hiện nay có trên 200.000 DNNVV đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Dư nợ tín dụng đối với DNNVV luôn có sự tăng trưởng đều qua các năm. Trong năm 2017, tín dụng đối với DNNVV đã đạt được kết quả nhất định. Tính đến ngày 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Dù quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn. Tuy nhiên, có không ít doah nghiệp phản ánh còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng về thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp…
TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số khó khăn là phần lớn các DNNVV quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch…
Các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi. Vấn có nhiều doanh nghiệp hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, số liệu thiếu chính xác (một doanh nghiệp có vài loại sổ sách khác nhau), chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn…
“Chính vì chưa có thông tin chuẩn xác nên các ngân hàng khá e ngại cho vay theo dòng tiền, dự án mà thường yêu cầu tài sản bảo đảm” đại diện một ngân hàng thương mại cho biết.
Các ngân hàng trông chờ vào tài sản bảo đảm DNNVV nhưng chính các doanh nghiệp này thiếu các tài sản để bảo đảm so với nhu cầu vay vốn. Nhiều tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản đảm bảo không minh bạch; một số DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay.
Tăng cường minh bạch thông tin, thu hẹp khoảng cách
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP, NHNN đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, tập trung vào các nhóm giải pháp như: cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng; giải pháp cải thiện chỉ số chiều sâu quyền pháp lý và chiều sâu thông tin tín dụng nhằm nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng theo đánh giá của WB; đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính…
“Thời gian tới, NHNN sẽ trực tiếp có những đoàn đi kiểm tra thực tế, mời báo chí truyền thông phản ánh công khai minh bạch về kết quả cải cách thủ tục hành chính ở một số chi nhánh ngân hàng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Về vấn đề lãi suất, thực hiện chỉ đạo Chính phủ, các ngân hàng đã tích cực hạ lãi suất nhưng cũng cần căn cứ vào nhiều yếu tố như các điều kiện khác của nền kinh tế, lãi suất huy động tiền gửi... Hiện tại, mức chênh giữa lãi suất tiền vay và tiền gửi chỉ khoảng 3% hoặc thấp hơn nhưng ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất khi có cơ hội.
Ngoài ra, đại diện NHNN cũng cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ ba hồi tháng 6/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2018 được kỳ vọng là cơ hội tích cực tạo sự thông thoáng trong việc tiếp cận vốn cho DNNVV, là bước ngoặt quan trọng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là Luật đầu tiên ở Việt Nam chuyên về vấn đề hỗ trợ DNNVV, tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất hiện nay, làm căn cứ cho triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV trên toàn quốc.
“Tuy nhiên, việc ban hành Luật chưa đủ, cần một số Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể việc triển khai bảo đảm hiệu quả Luật này trong thực tế.” Phó Thống đốc nói.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, thời gian tới, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp đồng bộ. Cụ thể, ngành ngân hàng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD), Quỹ phát triển DNNVV…
Các ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.
Ngoài ra, Lãnh đạo ngành ngân hàng còn đề nghị các ngân hàng địa phương tiếp tục tích cực triển khai chương trình Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trên tất các các lĩnh vực khác nhau để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng…