Luật Đấu thầu quy định: “Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới” được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước. Ảnh: Ngọc Kỳ |
Thách thức của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Theo các chuyên gia kinh tế, đa số doanh nghiệp có nữ làm chủ đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với những hạn chế về việc tiếp cận thông tin từ văn bản pháp luật liên quan cho đến thông tin về thị trường và các kênh phân phối.
Chia sẻ khó khăn này, Luật sư Nguyễn Thanh Trà, Công ty Tư vấn luật Frontier cho rằng, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn nhân lực, nguồn vốn. Những rào cản này khiến các doanh nghiệp do nữ làm chủ ít có cơ hội tham gia vào những dự án có quy mô lớn.
Đại diện cho các nữ doanh nhân Việt Nam, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho biết, ở nước ta, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng thừa nhận, các doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tham gia tham vấn chính sách, tìm kiếm đối tác…
Cơ hội đang rộng mở
Chia sẻ kinh nghiệm của của Hoa Kỳ trong việc thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ sở hữu trong lĩnh vực dịch vụ công, Luật sư Nguyễn Thanh Trà cho hay: “Các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu là doanh nghiệp phải có lớn hơn hoặc bằng 51% vốn góp hoặc cổ phần do một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu. Để khuyến khích khối doanh nghiệp này phát triển, các chính quyền liên bang và các bang đều có chương trình khuyến khích DNNVV cung cấp hàng hóa và dịch vụ công như: đặt ra giới hạn giá trị gói thầu (dưới 100.000 USD); hỗ trợ và tăng cường tiếp cận thông tin; thanh toán nhanh chóng (trước) và phạt lãi nếu cơ quan đấu thầu không thực hiện điều này…”.
Còn ở Zambia, Luật sư Nguyễn Thanh Trà thông tin, cơ quan có thẩm quyền của nước này cấp Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu khi đáp ứng yêu cầu đưa ra. Đồng thời, thực hiện đơn giản và chuẩn hóa các tiêu chí về năng lực, quy trình thủ tục, hồ sơ thông qua các tài liệu đấu thầu mẫu; giới hạn quy mô hợp đồng... Nhờ chính sách này, thời gian qua, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Zambia đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của nước này.
Một trong những điểm mới của Luật Đấu thầu năm 2013 (LĐT) được các nhà thầu, nhà đầu tư, định chế tài chính trong và ngoài nước đánh giá cao là quy định ưu đãi cho nhà thầu là doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ trong lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể là Điểm b Khoản 3 Điều 14 LĐT quy định: “Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới”; “nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ”, “nhà thầu có từ 25% trở lên số lao động là thương binh, người khuyết tật”… là đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp. “Chính sách ưu đãi này nhằm tạo cơ hội cho những nhà thầu vốn yếu thế có một chỗ đứng thực sự trong thị trường mua sắm công ở Việt Nam”, một chuyên gia đấu thầu nhấn mạnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhìn nhận: “Chính sách pháp luật về đấu thầu của Việt Nam cần mở rộng nhiều hơn các cơ hội đấu thầu cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể như của Hoa Kỳ hay Zambia…”.