Ảnh minh họa |
Tại Cuộc họp, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cho biết, hiện tại, VIMC đang có 78 tàu biển hoạt động trong nước và quốc tế với khoảng khoảng 4.000 thuyền viên, tuy nhiên, số lượng sỹ quan thủy thủ được tiêm vaccine phòng Covid-19 mới chỉ được 10%.
Ông Dương Ngọc Tú - Phó Giám đốc Công ty Vận tải biển Vinaship cho biết, tàu của đơn vị chủ yếu cập ở cảng biển Quảng Ninh để làm hàng. Thế nhưng, hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quy định người từ ngoại tỉnh vào phải có giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực và đáp ứng tiêm đủ 2 mũi vaccine. Quy định này khiến công tác thay thế thuyền viên của đơn vị gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ tiêm mũi 2 của thuyền viên còn khá ít. Do đó, địa phương cần xem xét, nới lỏng quy định về tiêm chủng vaccine, chấp thuận cho thuyền viên có giấy xét nghiệm PCR và đi từ vùng xanh có thể di chuyển qua nội tỉnh để phục vụ công tác thay thế.
Theo ông Ngô Anh Tuấn - Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải, hiện nay, tại TP.HCM lượng giấy đi đường cấp cho đại lý viên rất hạn chế, mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 - 2 người được cấp. Trong khi đó, việc tiến hành quy định thủ tục về xuất nhập cảnh hay khi tàu gặp sự cố cũng phải cần sự xuất hiện của đại lý để giải quyết. Trong bối cảnh dịch bệnh, các tàu ngoại hạn chế người lên tàu, vai trò của các đại lý hàng hải càng cần kíp hơn. Trong khoảng thời gian vào cảng làm hàng của mỗi tàu container thường rất nhanh, chỉ từ 20 - 26 tiếng, việc thực hiện thủ tục cho tàu ra, vào cảng của đại lý gặp nhiều khó khăn, nhất là những tàu vào lúc nửa đêm.
Ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng thừa nhận, hiện ở TP.HCM và một số địa phương chỉ cấp 10% giấy đi đường cho các nhân viên hãng tàu, đại lý,… ảnh hưởng đến quá trình giao nhận, làm tăng nguy cơ tồn hàng tại cảng. Các địa phương cần tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan đến hoạt động cảng biển, đặc biệt là sớm có hướng dẫn đối với những người đã được tiêm vaccine để việc đóng/rút hàng tại cảng biển được thuận lợi hơn, các doanh nghiệp cảng biển cũng sớm giải được bài toán chi phí phát sinh khi mô hình 3 tại chỗ kéo dài.
Tại cuộc họp, đa số doanh nghiệp vận tải biển và logistics đều đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT trong việc tháo gỡ những khó khăn, kịp thời đưa ra những chỉ đạo, hướng dẫn và giải pháp để giải quyết khâu lưu thông hàng hóa kết nối với cảng biển. Qua đó đến nay, hoạt động của các cảng biển vẫn duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn, mặc dù vẫn duy trì được hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển, tuy nhiên thực tế đáng lo ngại là chuỗi sản xuất đã bị gián đoạn cục bộ, sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Hiệp Hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho biết, thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải tạm dừng, giãn hoặc giảm sản xuất, nhiều nhà máy phải đóng cửa do có ca nhiễm F0 hoặc không đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức “3 tại chỗ”, ảnh hưởng đến sản xuất.. Hiệp hội đề nghị Bộ GTVT, ngành liên quan trong đó có ngành Công Thương cần đánh giá kỹ liệu có hay không nguy cơ đứt gẫy các chuỗi cung ứng, dẫn đến mất thị trường, từ đó có những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ lao động tại cảng biển, thuyền viên và các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp sản xuất liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch tổ chức giao thông, tổ chức hoạt động vận tải trong tình hình mới khi các địa phương nới lỏng giãn cách. Kế hoạch này sẽ ưu tiên những người đã được tiêm vaccine hoặc được điều trị dịch bệnh thành công tham gia chuỗi vận tải với lộ trình nới lỏng, mở rộng dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, giúp cho công nhân, chuyên gia đi lại thuận lợi nhất có thể.
Liên quan đến đề xuất giảm phí hoạt động cho tàu, thuyền tại khu vực cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32/2021/TT-BTC, theo đó miễn giảm nhiều loại phí trong lĩnh vực GTVT, trong đó có hàng hải. Các loại phí hàng hải liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT cũng đã được đưa xuống ở mức sàn trong suốt thời gian vừa qua. Trường hợp cần miễn giảm thêm chi phí gì, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tiếp tục đề xuất. Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp. Riêng với phí hạ tầng tại cảng biển, Bộ GTVT đánh giá cao TP.HCM đã lùi thu phí trong khoảng 6 tháng, đề nghị TP. Hải Phòng cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với đường thủy cần nghiên cứu không thu hoặc thu với phí phù hợp mức độ ảnh hưởng, tác động lên hạ tầng của hàng hóa.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)