Ảnh minh họa: Internet |
Duy trì đà phục hồi, tăng trưởng
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2022, cũng như kế hoạch 5 năm đã đề ra.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 diễn ra ngày 6/9/2022, Thủ tướng ghi nhận nhiều kết quả tích cực đạt được. Trong đó, Việt Nam đã tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân dù dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP quý III có thể đạt cao hơn quý II nếu không có những biến động lớn. Kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. 5 cân đối lớn được bảo đảm tốt, gồm: thu - chi ngân sách (thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021); xuất - nhập khẩu (xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 3,96 tỷ USD); lương thực - thực phẩm (xuất khẩu nông sản khoảng 36,3 tỷ USD, trong đó có khoảng 5 triệu tấn gạo); bảo đảm đủ điện, năng lượng dù sản xuất tăng cao; doanh nghiệp phát triển nhưng cung - cầu lao động bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt.
Thủ tướng cũng nêu bật nền kinh tế tiếp tục phục hồi; thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 285,4 nghìn tỷ, bằng 51% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, cao nhất từ năm 2018 đến nay. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150.000 doanh nghiệp (gấp 1,43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là gần 3,64 triệu tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ…
Các tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát linh hoạt dịch bệnh, phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát. Việt Nam cũng tiếp tục củng cố thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi toàn cầu và được nhận định là một trong những nền kinh tế đang lên tại khu vực với triển vọng kinh tế tích cực.
Theo bảng xếp hạng chỉ số phục hồi sau dịch bệnh do Nikkei mới công bố, Việt Nam thuộc các nước có tốc độ phục hồi tốt nhất trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam đã dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 7,5%, cao hơn đáng kể so với mức 7% mà Việt Nam đặt ra. WB cũng dự báo lạm phát năm 2022 ở mức 3,8%. Cuối tháng 7/2022, IMF đã tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ 6% lên 7%, trong khi hạ dự báo của nhiều quốc gia khác…
Ảnh minh họa: Internet |
Không lơ là, chủ quan trong điều hành
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khả năng chống chịu của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện tại, nhưng vẫn cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn mới có thể đạt mục tiêu phục hồi như kỳ vọng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù bức tranh doanh nghiệp có nhiều điểm sáng; tuy nhiên, Covid-19 đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quy mô vốn của doanh nghiệp gia nhập thị trường đang có xu hướng giảm, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 8/2022 giảm 26,1% so với tháng 1/2022. Con số này giảm 20,8% so với mức vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp thành lập mới năm 2021 và giảm 34,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy vẫn còn tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong quá trình bỏ vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Thu hút FDI cũng gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực này, có thể tác động tới cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, những khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi,… cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, yếu tố tâm lý, thời điểm gia tăng nhu cầu trong những tháng cuối năm, tạo áp lực lên lạm phát và đầu vào sản xuất trong nước, hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống người dân.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện các trọng tâm chỉ đạo, điều hành đã được phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 xác định. Giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Xây dựng các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn. Đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Cương quyết cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát lại, Thanh tra Chính phủ vào cuộc ngay để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan tới việc bảo đảm nguyên vật liệu cho các dự án hạ tầng chiến lược theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ…