Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN) |
Thay mặt Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác đã công bố Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và Quyết định số 65-QĐ/BCĐTW thành lập các Đoàn công tác.
Tại buổi làm việc, Thượng tướng Tô Lâm đã đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng tại tỉnh Thái Bình.
Thượng tướng Tô Lâm lưu ý để công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cần rà soát, xác định rõ những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo, theo dõi, xử lý, làm rõ những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, trong thực hiện các dự án đầu tư công, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh qua công tác thanh tra, kiểm tra, cần nghiêm túc đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm đồng thời đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thượng tướng Tô Lâm đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình chú trọng đề xuất những giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Thượng tướng Tô Lâm yêu cầu trong thời gian làm việc tại Thái Bình, Đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị thuộc diện kiểm tra, giám sát. Nếu phát sinh những vấn đề mới, Đoàn công tác sẽ thống nhất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị, tổ chức được kiểm tra, giám sát mở rộng phạm vi kiểm tra, xác minh nếu thấy cần thiết để bảo đảm kết quả kiểm tra được khách quan, chính xác, triệt để.
Công tác kiểm tra, giám sát nhằm nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến," "tự chuyển hóa."
Trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc khởi tố, điều tra xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, qua đó phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời tìm ra nguyên nhân, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra, giám sát.
Các nội dung kiểm tra, giám sát gồm tình hình và kết quả công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng tỉnh Thái Bình đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; trọng tâm là thanh tra vụ việc, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện một số chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương có liên quan đến công tác phòng, chống, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tại 16 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Bình như Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Huyện ủy Tiền Hải, Ban Thường vụ Thành ủy Thái Bình...
Mốc thời gian kiểm tra, giám sát từ ngày 1/1/2011 đến 31/12/2016, quý 1/2017 và các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế có dấu hiệu tham nhũng xảy ra trước ngày 1/1/2011 nhưng có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng đến nay chưa được xử lý dứt điểm./.