Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có báo cáo sơ kết tình hình triển khai ĐTQM giai đoạn 2016 - 2018 và xây dựng lộ trình giai đoạn 2019 - 2025.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai ĐTQM theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai ĐTQM tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.
Theo Báo cáo sơ kết của Bộ KH&ĐT, Bộ đang đề xuất chia lộ trình ĐTQM thành 2 thời kỳ, từ năm 2019 - 2021 (tiếp tục thực hiện ĐTQM trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại) và từ năm 2022 - 2025 (sau khi Hệ thống mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng).
Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2021, thực hiện theo lộ trình năm 2019, thực hiện ĐTQM 100% đối với các gói thầu hàng hóa, phi tư vấn, tư vấn không quá 2 tỷ đồng; xây lắp không quá 5 tỷ đồng. Năm 2020 thực hiện ĐTQM 100% đối với các gói thầu tương ứng lần lượt là không quá 5 tỷ đồng và không quá 10 tỷ đồng. Năm 2021, thực hiện ĐTQM 100% đối với các gói thầu tương ứng lần lượt không quá 10 tỷ đồng và không quá 20 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022 - 2025, căn cứ kết quả triển khai của thời kỳ 2019 - 2021 và tình hình thực tế, Bộ KH&ĐT ban hành quy định về lộ trình thực hiện ĐTQM theo hướng tăng tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu ĐTQM phù hợp với tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Việc thực hiện ĐTQM giai đoạn này phải đảm bảo đạt được mục tiêu 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện trên Hệ thống; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống.