Thời điểm giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn là phù hợp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Ảnh: Internet |
Đó là ý kiến đáng chú ý tại Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 11 do Viện Đào tạo và Nghiên cứu thuộc Ngân hàng BIDV công bố.
Thời điểm giảm lãi suất là phù hợp
Ngày 18/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN giảm lãi suất tiền gửi VND tối đa các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 0,2%/năm (tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng) đến 0,5%/năm (tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng) sau một thời gian giữ ổn định khá dài (từ năm 2014).
Sau động thái này, các TCTD liên tiếp công bố thông tin về giảm lãi suất huy động ở cả khối nhà nước và khối cổ phần với mức giảm từ 0,1 - 0,4%/năm tùy kỳ hạn.
Việc giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại (NHTM) có sở hữu nhà nước (BIDV, VCB, CTG, Agribank) do từ tháng 6/2019, trên cơ sở đồng thuận, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của 4 ngân hàng này đã duy trì ở mức dưới 5%/năm.
Tuy nhiên, trần lãi suất giảm có tác động tốt trong việc thu hẹp mức chênh lệch lớn bấy lâu giữa lãi suất tiền gửi của các NHTM có sở hữu nhà nước và các NHTM cổ phần.
Căn cứ thị phần huy động vốn của các ngân hàng niêm yết hiện nay, ước tính bình quân lãi suất toàn thị trường các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm khoảng 0,3%/năm so với thời điểm trước khi điều chỉnh lãi suất.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Đào tạo, thời điểm giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn là phù hợp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát thấp, đồng thời, phù hợp với xu hướng cắt giảm lãi suất đang diễn ra trên thế giới. Mặt khác, tạo cơ sở giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Về tác động đối với người gửi tiền, theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo, lãi suất thấp hơn khiến giảm đi nguồn thu mang lại từ tiết kiệm, điều này có thể điều chỉnh hành vi người gửi tiền như: chuyển sang chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm; chuyển sang các kênh đầu tư khác có tính hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ... Tuy nhiên, mức giảm lãi suất ít, lại chỉ đối với các kỳ hạn ngắn nên dự kiến tác động này không lớn.
Đối với người vay tiền, lãi suất thấp hơn, chi phí vay rẻ hơn, từ đó khuyến khích tiêu dùng và các công ty vay vốn để tài trợ cho chi tiêu và đầu tư.
Đối với TCTD, việc cắt giảm lãi suất huy động vốn giai đoạn cuối năm là hành động ít thấy tại thị trường Việt Nam, do đây là thời kỳ cao điểm cho nhu cầu nguồn vốn, tiền mặt. Việc các TCTD đồng loạt giảm lãi suất vừa qua nhiều khả năng không nằm trong kế hoạch từ trước mà chủ yếu nhằm thực thi chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, NHNN.
Hai vấn đề cần lưu ý
Từ các phân tích trên, Viện Nghiên cứu và Đào tạo nêu hai vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, các biện pháp nhằm giảm lãi suất vừa qua của NHNN thể hiện NHNN đang theo đuổi chính sách nới lỏng có mức độ. Nhận định này trong thời điểm hiện nay có lẽ còn quá sớm, nhưng cũng là điểm cần lưu ý trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng trở lại, nhất là vào dịp cuối năm và giá thực phẩm (thịt lợn) vẫn đang trên đà tăng.
Thứ hai, lãi suất hiện nay đã giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 và không còn là điểm nghẽn đối với tăng trưởng tín dụng (khi lãi suất cho vay thực của Việt Nam đang ở mức khoảng 4%, cao hơn một chút so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, tương đương Indonesia, Philippines).
Vì vậy, Viện Nghiên cứu và Đào tạo cho rằng, việc giảm lãi suất cần theo tín hiệu thị trường hơn là biện pháp hành chính. Về phía bên vay, lãi suất thấp sẽ khiến DN đầu tư rủi ro hơn. Về phía người gửi tiền, lãi suất thấp hơn sẽ khiến chi tiêu tăng hơn; dịch chuyển kênh đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro hơn và ít lan tỏa (như vàng, chứng khoán, bất động sản, tiền ảo…) dẫn đến bong bóng tài sản, tiết kiệm ít đi, đầu tư giảm.
Do vậy, việc giảm lãi suất như thế nào và ở mức độ bao nhiêu nên được cân nhắc ở mức phù hợp và nên theo tín hiệu thị trường (khi điều kiện cho phép). Những điều kiện cho phép cơ bản là: Nguồn cung vốn cho nền kinh tế không còn phụ thuộc lớn vào tín dụng như hiện nay; có sự đồng đều hơn về năng lực tài chính trong hệ thống các TCTD; mức độ rủi ro của nền kinh tế và doanh nghiệp được cải thiện; và chi phí giao dịch của nền kinh tế giảm xuống…