Các bị cáo tại tòa. |
Ngày 21/1, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Xuân Bình (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch HĐTV công ty Trường Ngân) và bị cáo Nguyễn Đăng Sơn (sinh năm 1982, nguyên giám đốc công ty Trường Ngân) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan tới vụ án, tòa xét xử 3 bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng Công Thương chi nhánh Nam Sài Gòn gồm: Phan Công Hiếu (nguyên Phó giám đốc), Phan Viết Kỳ (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp) và Trần Thanh Hải (nguyên cán bộ tín dụng) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, các bị cáo Phan Công Hiếu, Phan Viết Kỳ, Trần Thanh Hải bị truy tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng, không đồng tình với tội danh truy tố của Viện KSND tối cao nên TAND TPHCM quyết định trả hồ sơ. Sau quá trình điều tra bổ sung, Viện KSND Tối cao đã chuyển tội danh đối với các bị cáo trên.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện KSND TPHCM cho rằng trong vụ án này một số bị cáo là Đảng viên tuy nhiên chưa bị kỷ luật về mặt Đảng cũng như vắng mặt một số người liên quan, từ đó, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, HĐXX nhận định trong vụ án này một số bị cáo là Đảng viên nhưng đã ngưng sinh hoạt Đảng, hồ sơ Đảng của các bị cáo hiện không xác định được. Việc vắng mặt của một số người liên quan không làm ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Từ đó, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.
Theo cáo trạng, công ty Trường Ngân (trụ sở quận 4) thành lập năm 2005, ngành nghề kinh doanh mua bán lương thực, thực phẩm, chế biến nông sản. Năm 2010, 2011, công ty này có quan hệ tín dụng với 7 ngân hàng.
Đến đầu năm 2012, mặc dù số lượng cà phê của công ty không đủ để cầm cố, thế chấp đảm bảo dư nợ cho 7 ngân hàng nhưng do thua lỗ, cần tiền để trả nợ các khoản vay tại các ngân hàng và sử dụng cá nhân, Bình đã chỉ đạo Sơn sử dụng số hàng hóa là cà phê đã cầm cố, thế chấp ở ngân hàng này tiếp tục cầm cố, thế chấp ở ngân hàng khác; chỉnh sửa các hợp đồng xuất khẩu cà phê để hợp thức hóa nguồn hàng nhằm vay tiền các ngân hàng với cam kết sau khi xuất khẩu cà phê sẽ sử dụng bán được trả nợ các khoản vay, nhưng thực tế Bình chỉ dùng một phần tiền trả nợ cũ, số còn lại sử dụng cá nhân.
Cụ thể, hợp đồng thế chấp tại 7 ngân hàng ghi tổng số lượng hàng hóa là gần 21.000 tấn cà phê nhưng trong kho của công ty Trường Ngân chỉ khoảng 8.600 tấn cà phê. Quá trình điều tra, đến tháng 3/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định trong kho của công ty Trường Ngân có gần 1.300 tấn cà phê, 820 tấn tạp chất và gần 5.300 tấn cà phê hư hỏng.
Như vậy, với số lượng hàng hóa không có thật, dùng để đảm bảo, thế chấp chồng chéo giữa các ngân hàng dẫn đến không có khả năng trả nợ. Bằng hành vi gian dối, bị cáo Bình và Sơn đã chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng. Cụ thể, 2 ngân hàng có số tiền "khủng" lên đến hàng trăm tỉ đồng là Ngân hàng Công Thương (5,2 triệu USD - tương đương 109,4 tỉ đồng); Ngân hàng Kỹ Thương (8,7 triệu USD - tương đương 181,5 tỉ đồng) và 3 ngân hàng khác với số tiền vài chục tỉ mỗi ngân hàng.
Riêng Agribank chi nhánh Lý Thương Kiệt, quá trình giải quyết vụ án, đến tháng 6/2016, ngân hàng này có công văn gửi cơ quan điều tra xác định đã thu hồi đủ số nợ, không còn thiệt hại.
Đối với số tiền 71,2 tỉ đồng mà Bình và Sơn chiếm đoạt của Ngân hàng Quân đội thì cuối tháng 8/2018 vừa qua, Tòa quân sự cấp cao xử lưu động tại Tòa án quân sự Quân khu 7 (TPHCM) đã tuyên y án 18 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Xuân Bình, 6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đăng Sơn.
Đối với các cán bộ ngân hàng Công Thương chi nhánh Nam Sài Gòn, cáo trạng xác định các bị cáo thực hiện giao nhận số lượng hàng hoá hơn 10.509 tấn cà phê, định giá khi cho vay là gần 398 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, các cán bộ ngân hàng Công Thương chi nhánh Nam Sài Gòn đã không thực hiện đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra số lượng, niêm phong, quản lý hàng hóa là cà phê do công ty Trường Ngân cầm cố đảm bảo khoản vay, dẫn đến việc hàng hóa cầm cố bị thất thoát số tiền hơn 5,2 triệu USD, tương đương 109 tỉ đồng.
Dự kiến phiên tòa kéo dài tới ngày 25/1.