Ảnh minh họa: Internet |
Gần 100 đại biểu tham dự Hội thảo là các đại diện đến từ các doanh nghiệp BH, các văn phòng luật sư, đơn vị nghiên cứu cũng như các cơ quan truyền thông trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC, với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực BH để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp BH, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng.
Chia sẻ về thực trạng tranh chấp BH trong thời gian gần đây, bà Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban bán chuyên trách, Ban Pháp chế phi nhân thọ của IAV cho biết: "Qua thời gian, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường BH Việt Nam, các vụ việc tranh chấp hợp đồng BH tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc và ngày càng phức tạp về nội dung với nhiều nguyên nhân khác nhau". Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp BH sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án.
Theo bà Trương Thanh Thủy - Trọng tài viên VIAC, các loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng BH mà VIAC đã giải quyết trong thời gian qua có thể kể đến như: Tranh chấp về doanh nghiệp BH thực hiện nghĩa vụ giải thích điều kiện; Tranh chấp về hiệu lực của đơn BH; Tranh chấp về nộp chậm phí BH; và tranh chấp trong việc nhận “thế quyền” truy đòi bên thứ 3.
Bên cạnh phương thức trọng tài thương mại, theo ông Phan Trọng Đạt – Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam, một phương thức giải quyết tranh chấp mới cũng đang được doanh nghiệp quan tâm hiện nay đó chính là hòa giải phương mại. Đây là hướng đi mới trong giải quyết tranh chấp BH hiện nay.