Giá vàng trong nước sáng 22/4 vẫn ở mức trên 48 triệu đồng/lượng. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, lúc 9 giờ 6 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,5 - 48,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối ngày hôm qua.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra, niêm yết giá mua và bán tương ứng ở mức 47,5 - 48 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu vẫn được giữ nguyên so với cuối ngày hôm qua, niêm yết ở mức 47,45 – 48,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC cũng không đổi so với cuối ngày qua, niêm yết ở mức 47,2 – 48,05 triệu đồng/lượng
Phiên 21/4, giá vàng thế giới giảm hơn 1% xuống mức thấp của gần hai tuần khi các nhà đầu tư bán vàng lấy tiền mặt để bù lỗ cho các loại tài sản khác, chủ yếu do sự cố trên thị trường dầu mỏ.
Giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống còn 1.671,68 USD/ounce vào lúc 0 giờ 33 phút (ngày 22/4 theo giờ Việt Nam). Trước đó trong cùng phiên, kim loại quý này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 là 1.659,68 USD/ounce.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn phiên này cũng lùi 1,4% xuống khép phiên ở mức 1.687,80 USD/ounce.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures nói rằng, sự lao dốc của giá dầu đã khiến toàn bộ thị trường hàng hóa đi xuống. Rất nhiều nhà đầu tư đang rời bỏ các lệnh nắm giữ với thái độ “chờ và xem” để đánh giá liệu tác động từ cú sốc trên thị trường năng lượng có tiếp tục lan tỏa sang thị trường kim loại quý hay không.
Giá dầu Brent cùng phiên đã giảm khoảng 25% xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, một ngày sau khi các thương nhân hoảng loạn đã đẩy giá dầu WTI của Mỹ xuống mức gần -40 USD/thùng vì lo ngại về một đợt dư thừa nguồn cung lịch sử do nhu cầu bị “phá hủy” bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19./.