Mở cửa phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới đang ở mức 1.313 USD mỗi ounce, tăng khoảng 2 USD. Nguyên nhân đi lên của kim loại quý này là đồng bạc xanh bị suy yếu hơn 0,2%, xuống còn 92,43 điểm.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 36,1 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa của vàng miếng trong nước xoay quanh 36,62 - 36,72 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới khoảng 500.000-600.000 đồng mỗi lượng.
Trước đó, tại phiên Mỹ tối 3/5, đà tăng giá của vàng đã tiếp diễn và được duy trì quanh 1.312 USD, tăng hơn 7 USD sau khi báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp được công bố. Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ đưa ra, trong tháng 4, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 211.000. Con số này thấp hơn dự báo của giới chuyên gia khi nhận định là 225.000 đơn.
Giá vàng đã tăng phiên thứ ba liên tiếp sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất như dự kiến tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
Các chuyên gia nhận định, giá vàng luôn nhạy cảm với chính sách lãi suất của Mỹ. Kết thúc cuộc họp chính sách từ ngày 1-2/5, Fed đã quyết định duy trì biên độ lãi suất trong khoảng 1,5-1,75%, đồng thời tin tưởng rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục đà gia tăng để tiến tới gần ngưỡng mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra -cơ sở để Fed tăng lãi suất trong tháng 6 tới.
Về mặt phân tích kỹ thuật, giá vàng đã trụ vững và không bị đâm thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 USD. Do đó, vàng sẽ không bị áp lực giảm trong ngắn hạn. Hiện nay, mức hỗ trợ lâu dài của vàng là 1.302 USD và mức kháng cự vững chắc xoay quanh 1.337 USD mỗi ounce.