Giá và chất lượng - lợi ích từ đấu thầu dự án năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo sẽ mang đến nhiều tác động cho thị trường ở 2 phương diện giá và chất lượng.
Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo do Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trực tuyến (ảnh: PECC3)
Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo do Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trực tuyến (ảnh: PECC3)

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh thông tin này trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo “Chuyển đổi chính sách từ trợ giá FIT sang đấu thầu dự án điện năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm của Đức và khả năng áp dụng tại Việt Nam” thuộc Chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021).

Về vấn đề giá, theo bà Lê, thông qua đấu thầu, các nhà đầu tư sẽ có cuộc cạnh tranh về giá, góp phần thiết lập mặt bằng giá thấp hơn, hợp lý hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường.

"Muốn đấu thầu sẽ phải xây dựng bộ tiêu chuẩn căn bản để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính - thương mại của nhà đầu tư để lựa chọn được nhà đầu tư mang lại giải pháp hiệu quả cao nhất, không chỉ về khía cạnh kinh tế mà còn phải xét đến các khía cạnh phát triển, xã hội, môi trường”, bà Lê đề cập về tính hiệu quả của dự án thông qua đấu thầu.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo

Bà Lê cho biết, Đảng và Chính phủ trong các năm vừa qua đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, góp phần giúp điện mặt trời và điện gió có sự bứt phá mạnh mẽ. Điển hình như Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg; Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg... Một trong những cơ chế chính sách được đưa ra tại các quyết định nêu trên là cơ chế giá FIT hay còn gọi là cơ chế hỗ trợ giá bán điện cố định.

"Trước đây, FIT được công nhận là cơ chế chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo nhanh chóng, thành công nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế này trong thời gian qua đã bộc lộ một số mặt hạn chế trong kiểm soát quy mô, kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Mức giá mua bán điện cố định khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường”, bà Lê nêu thực tế.

Nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định rõ và toàn diện hơn về nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và vai trò của phát triển năng lượng quốc gia, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Đồng thời, kể từ ngày 1/1/2021, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực đồng nghĩa với việc kết thúc giá FIT với điện mặt trời và sắp tới sau 31/10/2021 sẽ kết thúc giá FIT điện gió. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu dự án năng lượng tái tạo để thay thế cho cơ chế giá FIT trước đây.

"Từ đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, việc xem xét, nghiên cứu điều chỉnh chính sách và quy định về phát triển năng lượng tái tạo là cấp thiết tại thời điểm hiện nay, hướng tới tiệm cận thị trường cạnh tranh, chuyển đổi sang cơ chế đấu thầu”, bà Lê thông tin.

Các đánh giá cho thấy, CHLB Đức là quốc gia có thành công và kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi cơ chế này, sẽ có nhiều thông tin hữu ích cho Việt Nam học hỏi và áp dụng.

Giới thiệu về chương trình đấu thầu dự án năng lượng tái tạo trong Luật Năng lượng tái tạo của Đức (EEG), ông Thomas Krohn, Giám đốc Chương trình hỗ trợ các dự án năng lượng của Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) tại Hà Nội cho biết, giai đoạn sử dụng giá FIT tại Đức từ năm 2000 với Luật EEG giúp tiết kiệm ngân sách cho chính phủ và các doanh nghiệp khi công nghệ đã sử dụng ổn định. Khi cơ chế giá FIT bắt đầu tạo ra bất cập trong thị trường như đường truyền bất ổn, hạ tầng quy hoạch không đồng bộ, tranh chấp khu vực sử dụng…, Đức đã chuyển sang cơ chế đấu thầu.

Khung cấu trúc của Đức về cơ chế đấu thầu được chia làm 4 phần: Phần 1 - Đấu thầu theo loại và công suất; Phần 2 - Cách lựa chọn bên thắng thầu và quy trình đấu thầu; Phần 3 - Chuẩn hoá các tiêu chuẩn đầu vào và hồ sơ; Phần 4 - Quản trị rủi ro, tiến độ và biểu giá cho bên bán.

Cụ thể, đối với Phần 1, ở Đức có 9 nhóm công nghệ với phương án đấu thầu khác nhau, trong đó các công nghệ mới như điện mặt trời nổi, pin mặt trời, điện mặt trời kết hợp nông nghiệp… sẽ có hỗ trợ giá từ Chính phủ.

Ở Phần 2, Đức có quy trình chi tiết từ việc xác định mức công suất ấn định; chuẩn hoá các hồ sơ giấy phép cần có; thời hạn nộp hồ sơ; kiểm tra giá thầu theo ưu tiên về giá, công suất và ngẫu nhiên; thông báo thắng thầu; nhận đặt cọc và phát triển dự án trong khoảng 2 năm trước khi chính thức nhận trợ giá từ Chính phủ.

Đối với Phần 3, Chính phủ Đức quan tâm về quy hoạch đất, quy hoạch không gian khai thác và giấy phép sử dụng. Thời hạn nộp hồ sơ và các loại giấy phép cũng được quy định riêng và cần thực hiện đúng.

Tại Phần 4, Đức thực hiện trợ giá cho dự án theo giá điện thị trường và các rủi ro của bên đấu thầu, đơn vị truyền tải và mạng lưới điện quốc gia. Rủi ro được chia làm các loại kỹ thuật đấu nối, quá tải công suất và giá, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi.

“Ở Đức, các bên cần tuân thủ đúng quy trình thủ tục và tiến độ, các mức phạt theo tiến độ được quy định áp dụng chặt chẽ”, ông Thomas Krohn nhấn mạnh.

Chuyên đề