Món ngon quê nhà
Từng lang thang qua nhiều vùng miền, họa sỹ trẻ Đỗ Hiếu khăng khăng nhận định, các món chủ lực đưa rượu rất đại chúng, nhưng lại chẳng kém phần sang, đích thị là gà. Nghe bảo, anh vẫn nhớ mãi món gà hầm tiêu xanh được thưởng thức cách đây 2 năm trong một lần ghé thăm Phú Quốc. Gà đượm vị cay nồng của tiêu, được chặt miếng rồi chấm với muối chanh. Vị thịt thơm và đậm đà, mềm nhưng không bở…
Nhiều người cũng nghiệm ra rằng không chỉ ở hải đảo, mà đồng bằng hay núi cao, nhiều món ngon nổi tiếng là từ các loại giống gà khác nhau.
Trong những lúc trà dư tửu hậu, nhà thơ có bút danh Trần Cảnh cũng hay chép miệng, tiếc nuối về thời ông đi thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đơn giản, chỉ là những buổi trưa ông cùng mấy bạn văn chương quây quần, thưởng thức món gà “đậm mùi quê hương”. Gà được gói bằng lá sen, đắp đất sét, vùi trong than củi độ 2 tiếng. Khi gỡ ra, từng miếng gà còn thơm mùi lá sen, màu vàng nâu óng ả. Nhâm nhi ly rượu đế Gò Công, ngâm nga vài câu vọng cổ… Dù chỉ là món ăn chốn miệt vườn nhưng thật không gì sánh bằng.
Những ai hay đi vùng cao, hẳn biết đến giống gà H'mông. Gà H'mông có lông, da, xương đều đen và 4 móng. Nếu ở Trùng Khánh, Cao Bằng, gà H'mông hay được hầm với hạt dẻ, còn ở các vùng khác, gà thường luộc cả con. Khi ăn, dùng tay xé nhỏ thịt và cuốn trong lá cải mèo cay nồng. Thêm rau bông chuối, rau chua, chấm muối trộn với hạt mắc khén thì thật là tuyệt! Ăn no căng bụng vẫn thấy không ngán! Không chỉ vậy, loại gà này còn chữa được cả bệnh suy nhược cơ thể, cao huyết áp…
Tương tự gà H'mông, dưới xuôi cũng có giống gà ác, lông và xương đều đen. Trước kia, thời mà thầy lang nhiều hơn bác sỹ, món tẩm bổ cho người bệnh tốt nhất là gà ác hầm với vài quả táo tàu, ít kỷ tử, hạt sen…
Chung quy, gà thì có nhiều món, vào tay ông đầu bếp giỏi hoặc bà nội trợ khéo, tất được thiên biến vạn hóa.
Tiếng gà vang vọng
Vào các ngày lễ, tết hay các dịp vui của người Việt, trong mâm cơm, mâm cỗ gần như không thể thiếu được món gà. Xưa hay nay đều vậy. Hội làng, các cụ dâng hương bao giờ cũng thấy trên ban thờ một mâm xôi trắng, trên là chú gà trống luộc.
Đêm 30, đêm trừ tịch được coi là tối nhất trong năm, nhiều nhà cũng bày lên ban thờ một chú gà trống choai luộc chín, mỏ ngậm một bông hoa hồng đỏ. Theo truyền thuyết xưa, gà trống chính là con vật đã có công cất tiếng gáy, gọi được mặt trời xuất hiện sưởi ấm thế gian…
Gà qua các nghi lễ hiến sinh đã trở thành cầu nối để con người cầu xin hoặc tạ ơn thần linh, tổ tiên, thể hiện khát vọng về một năm mưa thuận, gió hòa. Gà còn là hình ảnh ẩn dụ cho nhiều tính cách tốt đẹp của con người. Hình ảnh gà mái cặm cụi đi kiếm đồ ăn nuôi cả bầy con, gợi lên bóng dáng của một người mẹ đảm đang. Gà chọi đá nhau, thể hiện khát vọng chiến thắng.
Theo GS. TS. Kiều Thu Hoạch, trong quan niệm của Nho gia, gà có 5 đức gồm, đầu có mào là văn, chân có cựa là võ, thấy quân địch trước mặt dám xông lên đánh gọi là dũng, thấy miếng ăn bao giờ cũng gọi nhau là nhân, gáy sáng đúng giờ là tín. Một câu chúc phổ biến trong năm mới, là “đại cát”, cũng được suy theo từ tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Đây cũng là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc…
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, tiếng gà gáy sáng đã trở thành hình ảnh đầy yêu thương trong tâm thức mỗi người Việt. Hình ảnh này, cũng là sự trăn trở, gợi nỗi nhớ quê của mỗi người con xa xứ.