Dòng vốn FDI bắt đầu chảy mạnh vào bất động sản tại Việt Nam. |
Mới đây, tại TP.HCM, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư phát triển dự án Khu phức hợp thông minh (Eco Smart City) tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 có tổng vốn đăng ký lên đến 885,85 triệu đô la Mỹ.
Theo đó, liên danh nhà đầu tư gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte (Công ty Lotte Asset Development, Công ty Lotte Shopping, Công ty Lotte Hotel và Công ty Lotte Engineering and Construction) sẽ thực hiện dự án khu phức hợp thông minh này.
Nói về dòng vốn đổ vào dự án bất động sản lần này, ông Shin Dong Bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte, cho biết đây là dự án quy mô rất lớn và quan trọng, Lotte sẽ phát triển Eco Smart City ở Khu chức năng số 2a (khoảng 7,45ha) của Thủ Thiêm trở thành công trình tiêu biểu của thành phố.
Đây là tín hiệu vui đầu tiên của TP.HCM khi dòng vốn FDI đã tiếp tục đổ bộ vào bất động sản. Bên cạnh đó, theo giới quan sát, trong năm 2018 kỳ vọng lớn nhất mà lãnh đạo UBND TP.HCM mong chờ dòng vốn FDI chảy vào đó là dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị TP. Đây được cho là nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của TP.HCM, chính vì vậy sẽ có nhiều chính sách tốt, hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại rót vốn vào dự án này để đổi quỹ đất đẹp phát triển dự án bất động sản sau này.
Tại hội nghị kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào dự án này diễn ra ngày 31/1 tại TP.HCM vừa qua, Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đây là một trong những dự án có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu hình thành và phát triển thành phố thông minh, hiện đại, sạch đẹp. Để hỗ trợ doanh nghiệp rót vốn vào dự án này, TP.HCM đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ quỹ đất, thủ tục pháp lý… cho nhà đầu tư.
Tại hội nghị kêu gọi nhà đầu tư lần này, có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự với vai trò là doanh nghiệp quan tâm dự án.
Nhận định về dòng vốn ngoại sẽ đổ bộ thế nào vào thị trường bất động sản 2018, lãnh đạo nhiều công ty tư vấn bất động sản nước ngoài như CBRE, Savills… đều có chung một nhận định rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các yếu tố như tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, những thuận lợi về cơ cấu dân số và nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao...
Còn GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là do dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh. Mặt khác, hàng loạt chính sách liên quan như cho người nước ngoài sở hữu nhà đã tạo tâm lý tin tưởng cho nhà đầu tư.
Cùng chung nhận định trên, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, qua trao đổi với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư cho thấy, thị trường nhà ở tại Việt Nam với hơn 90 triệu dân vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn để họ theo đuổi.
Đặc biệt, khi một số chính sách về nhà ở Việt Nam đã được tháo gỡ, như cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, mở cửa đầu tư casino, khuyến khích đầu tư vào nhà thu nhập thấp... Ngoài nhu cầu lớn, Việt Nam vẫn đang có xu hướng đô thị hóa nhanh, Chính phủ quyết tâm xây dựng nền công nghiệp không khói làm ngành mũi nhọn cho phát triển… cũng là phần tích cực đóng vai trò quan trọng trong tác động vào quyết tâm theo đuổi của nhà đầu tư.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, cho rằng, những chính sách có hiệu quả của Nhà nước thời gian qua đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản, xây dựng, trang trí nội ngoại thất.
“Đánh giá về tiềm năng, tôi cho rằng thị trường bất động sản hiện vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư cá nhân, nhưng sẽ phân hóa mạnh và đi vào sự lựa chọn dựa trên nhu cầu, vị trí dự án và năng lực tài chính của nhà đầu tư...”, ông Nam nói.
TP.HCM tìm hướng giải ngân vốn ODA
UBND TP vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức giao kế hoạch vốn ODA đảm bảo đáp ứng đủ vốn theo tiến độ giải ngân thực tế của dự án và tiến độ cấp vốn của các nhà tài trợ để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án; cho phép TP căn cứ tiến độ giải ngân của các dự án, chủ động điều chuyển vốn trong tổng mức kế hoạch vốn được Thủ tướng giao.
Đối với dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), Hội đồng thẩm định Nhà nước cần sớm thẩm định trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng dự phòng giải ngân vốn nước ngoài nguồn cấp phát từ ngân sách Trung ương để bổ sung cho những dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đang thực hiện có nhu cầu vốn để đẩy mạnh giải ngân và các dự án đã ký hiệp định vay vốn nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công, tránh bị nhà tài trợ phạt tiền vì triển khai chậm.