EVNSPC: Hành trình 20 năm “thắp sáng” đảo Ngọc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời điểm cuối năm 2001, hệ thống điện trên huyện đảo Phú Quốc (do UBND tỉnh Kiên Giang quản lý) chỉ gồm 41 km đường dây trung thế, 44 km đường dây hạ thế, với 1 trạm phát điện diesel công suất khoảng 3 MW gồm 2 máy phát DG72 và 3 máy phát Caterpillar, cấp điện cho 4.252 khách hàng với sản lượng điện tiêu thụ cả năm chưa đầy 6 triệu kWh.
Thi công kéo điện cáp nổi của công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc
Thi công kéo điện cáp nổi của công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc

Việc cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc gặp rất nhiều khó khăn, không bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp trên đảo khi phải chạy máy phát diesel với chi phí cao.

Kéo điện vượt đại dương

Đầu năm 2002, Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVNSPC) đã tiếp nhận trạm phát diesel, lưới điện trên đảo Phú Quốc từ tỉnh Kiên Giang và đầu tư đồng bộ vào hệ thống nguồn và lưới điện. Từ chỗ chỉ cung cấp khu vực thị trấn Đông Dương và xã An Thới, đến năm 2012, điện đã được đưa đến hầu hết các xã và thị trấn trên toàn huyện đảo với 96 km đường dây trung thế, 89 km đường dây hạ thế, 192 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng là 21.070 kVA; 1 phân xưởng diesel với quy mô 24,7 MW hoạt động 24/24 giờ, cấp điện cho 13.000 khách hàng; điện thương phẩm năm 2013 là trên 55 triệu kWh.

Mặc dù ngành điện đã liên tục đầu tư nâng công suất nguồn phát điện diesel, xây dựng nhiều công trình lưới điện, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% do nhu cầu liên tục tăng, trung bình hơn 25%/năm. Để có điện phục vụ phát triển đảo Phú Quốc đang bắt đầu tăng trưởng nhanh, EVNSPC phải bù lỗ trên 100 tỷ đồng mỗi năm do sản xuất điện từ nguồn diesel giá rất cao, bán điện cho người dân theo đúng giá quy định của Nhà nước. Đặc biệt, năm 2012, ngành điện đã bù lỗ 164 tỷ đồng và đến năm 2013 bù lỗ lên đến gần 180 tỷ đồng.

Xác định rõ, cấp điện cho phát triển Phú Quốc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, EVNSPC đã đầu tư dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển đưa điện từ đất liền ra Phú Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, ngày 2/2/2014, EVNSPC chính thức đóng điện và đưa vào vận hành công trình đường dây cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc với khả năng truyền tải công suất lên đến 131MVA. Đây là công trình đường dây cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để đem điện lưới quốc gia ra đảo, thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel. Đáng chú ý, từ thời điểm có điện lưới quốc gia, giá điện tại đảo Ngọc cũng về mức tương đương với đất liền, giảm gần 50% so với trước đây.

Đòn bẩy để Phú Quốc cất cánh

Kể từ khi có điện lưới quốc gia, du lịch tại Phú Quốc đã phát triển vượt bậc, lượng khách du lịch đến đảo tăng mạnh mỗi năm, từ 913.000 lượt du khách vào năm 2015 đã tăng lên trên 5,1 triệu vào năm 2019. Sau thời gian gián đoạn bởi dịch bệnh, từ tháng 1 đến tháng 10/2023, gần 5,2 triệu lượt du khách đã đến Phú Quốc. Đến nay, có nhiều chuyến bay quốc tế bay thẳng đến Phú Quốc với tần suất 2 - 4 chuyến mỗi tuần.

Cùng với việc kéo điện ra đảo, EVNSPC đã liên tục thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống nguồn và lưới điện trên đảo với tổng số vốn hơn 7.080 tỷ đồng. Đến nay, quy mô đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp phân phối đã tăng gần 100 lần, bảo đảm điện cho số khách hàng tăng gấp 10,5 lần. Phụ tải sử dụng điện Phú Quốc không ngừng tăng cao và hiện là địa bàn phát triển phụ tải sử dụng điện nhanh nhất trong tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là địa bàn có tỷ lệ khách hàng thương mại - dịch vụ cao nhất.

Cụ thể, phụ tải sử dụng điện của Phú Quốc giai đoạn 2004 - 2010 tăng trưởng trung bình 17%/năm; giai đoạn 2010 - 2020 đạt 27%/năm; giai đoạn 2020 - 2023 đạt 14%/năm..

Để đáp ứng nhu cầu phụ tải sử dụng điện đang tăng nhanh của đảo, EVNSPC đã tăng công suất trạm biến áp, đồng thời tiếp tục đầu tư nhiều công trình điện. Trong đó, đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc với tổng mức đầu tư lên đến 2.212 tỷ đồng đã hoàn thành và đóng điện vào cuối tháng 10/2022 sau hơn 3,5 năm triển khai xây dựng.

Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam. Công trình gồm hai mạch đường dây, có tổng chiều dài 80,8 km, trong đó phần đường dây trên biển dài 64,7 km. Công trình đã kịp thời tăng cường năng lực cung ứng điện cho đảo Phú Quốc thêm 500MW, gấp 5 lần công suất sử dụng điện hiện nay, đáp ứng nhu cầu về điện đến năm 2035. Tình trạng quá tải nguồn cấp điện cho đảo được giải quyết; độ tin cậy cung cấp điện được nâng cao, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng và thu hút đầu tư tại TP. Phú Quốc.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Việt Kinh tế Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, việc đưa điện lưới lên đảo Phú Quốc đã tạo đà cho huyện đảo phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư mạnh mẽ trên địa bàn, đặc biệt là du lịch và kinh tế biển. “Kéo điện lưới ra đảo Phú Quốc là minh chứng cho việc biến những thách thức thành cơ hội để tạo ra sự đột phá mà trong tương lai cần khuyến khích”, ông Thiên nói.

Tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đảo Ngọc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 diễn ra ngày 31/3/2024 tại TP. Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Phú Quốc có vai trò và sứ mệnh đặc biệt quan trọng, đặc thù đối với sự phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng cũng như phát triển văn hóa, du lịch của đất nước. Việc phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần chia sẻ, quan tâm. Để tiếp tục nâng cao và phát triển tiềm năng của đảo Phú Quốc, Thủ tướng đề nghị chú trọng vào 3 vấn đề để tiếp tục phát triển đảo Phú Quốc, đó là nước, điện và sóng. Trong đó, cần bảo đảm cung cấp điện song hành cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự phát triển không ngừng của Phú Quốc, EVNSPC và các đơn vị thành viên sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao hạ tầng lưới điện, bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục cho đời sống nhân dân, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Ông Nguyễn Phước Đức cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, EVNSPC dự kiến đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng để tiếp tục khai thác hiệu quả năng lực cung ứng điện từ hai công trình đường dây cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc và đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Cụ thể là triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22 kV - 110 kV - 220 kV như trạm 220kV Phú Quốc, đường dây và trạm 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc, hoàn thành đoạn còn lại của đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc; đồng thời triển khai thực hiện dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc.

Chuyên đề