Ảnh minh họa |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017.
Kết luận nêu rõ, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta đang đặt ra nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng; trước hết phải phát triển vật liệu xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành xây dựng trong nước và tiến tới nâng cao giá trị xuất khẩu để khai thác lợi thế, tiềm năng của đất nước. Do đó để đảm bảo cho ngành vật liệu xây dựng phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi cấp phép các dự án đầu tư sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng theo quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; kiểm soát đầu tư phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt sản xuất gạch đất sét nung và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát việc khai thác đá, cát, sỏi đúng quy hoạch, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chống sạt lở bờ biển, lòng sông…; tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, có kế hoạch đáp ứng nhu cầu san lấp từng địa phương; ưu tiên sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu nhân tạo có sẵn tại địa phương; thực hiện nghiêm quy định về báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch vật liệu xây dựng; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ các Quy hoạch: Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu ở Việt Nam; xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng; nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, sử dụng san lấp; chỉ đạo các địa phương và các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 và Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 để đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện, quá trình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung có hiệu quả.
Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ bảo đảm phát triển công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển vật liệu xây dựng mới, giá thành thấp, chất lượng cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát quá trình phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo bền vững, cân đối cung cầu.
Tăng cường kiểm tra, giám sát khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong đó có khoáng sản làm vật liệu xây dựng để có đầy đủ thông tin, số liệu phục vụ cho công tác lập quy hoạch; nghiên cứu, sửa đổi QCVN 07:2009/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng đối với tro, xỉ nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất không thuộc danh mục chất thải nguy hại; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thực hiện và phê duyệt các đề án đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là các đề án đánh giá khai thác đá ốp lát, đá vôi sản xuất xi măng và cát trắng silic.
Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tế bảo đảm phát triển vật liệu xây dựng bền vững; có cơ chế ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng vật liệu từ phế thải, vật liệu mới thay thế vật liệu tự nhiên, thân thiện môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu triển khai các tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra các vật liệu mới thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ trì xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường; kiểm soát các công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng bảo đảm phát triển bền vững; tổ chức thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm vật liệu xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định.
Các doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường và nền kinh tế, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp như nâng cao năng lực đầu tư, quản trị, giảm chi phí quản lý; đào tạo, lựa chọn đội ngũ nhân lực tốt đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội; từng bước đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành thấp tạo sức cạnh tranh.