Dùng dằng thu thuế với tài sản đảm bảo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hầu hết các trường hợp, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để thanh toán cho tổ chức tín dụng nên không còn để thanh toán cho nghĩa vụ thuế. Trong khi đó, các cơ quan thuế khẳng định nếu không hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, gây tâm lý bức xúc từ phía người mua tài sản bán đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Đây là nội dung phản ánh và kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre gửi đến Bộ Tài chính.

Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản (Điều 12) và quy định việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm (Điều 15).

Liên quan đến thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản, người có tài sản chuyển nhượng (kể cả người phải thi hành án) thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, Điều 12 của Nghị quyết 42 lại quy định số tiền thu từ tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để thanh toán cho tổ chức tín dụng nên không còn để thanh toán cho nghĩa vụ thuế.

Trong khi đó, tại Công văn số 4606/BTC-TCT ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quán triệt thực hiện Nghị quyết số 42 không hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Do đó, các cơ quan thuế khẳng định nếu không hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, đã tạo tâm lý bức xúc từ phía người mua tài sản bán đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo thậm chí dẫn đến tình trạng người mua trúng đấu giá khởi kiện yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phải nộp khoản thuế chuyển nhượng tài sản.

Còn tại Khoản 2, Điều 17 của Nghị quyết 42 về áp dụng pháp luật lại quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và các luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết này”. Do đó, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ các vấn đề này, đảm bảo thực hiện thống nhất văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương tới địa phương.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính dẫn Điều 12 của Nghị quyết 42 quy định “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo dảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế”.

Điều 15 của Nghị quyết 42 quy định: “Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế…”. Nghị quyết 42 cũng quy định trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng quy định pháp luật hiện hành.

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân phải thực hiện khai thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Luật Quản lý thuế quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải thực hiện khai, nộp thuế thu nhập á nhân trước khi thanh quyết toán các khoản nợ của cá nhân.

Bộ Tài chính cũng dẫn chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 42 như sau: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt các tổ chức tín dụng thỏa thuận với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế, phí liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm”.

Do đó, Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm: “Theo Luật Quản lý thuế, Nghị quyết 42 và các văn bản pháp lý hiện hành, về nguyên tắc, khi các cá nhân hoặc tổ chức chuyển nhượng tài sản có phát sinh nghĩa vụ thuế thì phải có trách nhiệm nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật”. Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước quán triệt các tổ chức tín dụng thỏa thuận với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.

Chuyên đề