Đưa Thừa Thiên Huế thành đô thị trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản

(BĐT) - Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 54-NQ-TW (NQ54) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng của phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của cố đô Huế với tư cách là một cố đô di sản.
Một trong những giải pháp nêu tại Nghị quyết số 54-NQ-TW là tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Một trong những giải pháp nêu tại Nghị quyết số 54-NQ-TW là tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X, Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực đổi mới tư duy, khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,2%/năm, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước.

Năm 2018, quy mô nền kinh tế tăng gần 2 lần; thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP đạt mức 1.770USD, tăng 2,2 lần so với năm 2009. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp, trong đó du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển; tiềm năng của Vườn Quốc gia Bạch Mã bước đầu được khai thác.

Công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, phát triển. Hoạt động liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được chú trọng, nhất là trong phát triển du lịch.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế của Tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; cải cách hàng chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn về du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo chưa đạt được. Theo đánh giá của Bộ Chính trị, những hạn chế, yếu kém có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Trên cơ sở kết quả tổng kết cũng như xác định các yêu cầu và bối cảnh của giai đoạn sắp tới. Bộ Chính trị thấy rằng phải có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế trong thời gian sắp tới.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết lần này là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng trên nền tảng của phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của cố đô Huế với tư cách là một cố đô di sản.

Chuyên đề