Đưa nhanh chính sách mới vào thực tiễn, tạo động lực cho phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc tổ chức thực thi nhanh chóng, hiệu quả các chính sách mới cần tiếp tục được chú trọng, trong đó, cần tháo gỡ nhanh các vướng mắc về pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật để khơi thông ách tắc, tạo nguồn lực mới cho phát triển.
Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đưa luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đưa luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều luật vẫn chờ nghị định hướng dẫn

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng ban hành và tổ chức thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm đời sống cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành 4 luật và 10 nghị quyết trong lĩnh vực KH&ĐT, tiếp tục hoàn thiện một bước cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch, thống kê, đấu thầu, kinh tế tập thể, môi trường đầu tư, kinh doanh; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù ở một số địa phương nhằm tạo đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương được thí điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, đề ra nhiều giải pháp đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ ra, công tác tổ chức triển khai của Chính phủ đối với một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Tính đến ngày 23/8/2023, đối với các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm. Chính phủ vẫn đang “nợ” 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời, đối với 2 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 (Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh), phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay chưa có văn bản nào được ban hành. Chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; vẫn còn tình trạng sử dụng hình thức văn bản hành chính để quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật...

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ được xây dựng ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Ảnh: Lê Tiên

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ được xây dựng ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Ảnh: Lê Tiên

Nhanh chóng đưa pháp luật vào thực tiễn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật...

Đối với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, trong quá trình triển khai thi hành, đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề quan trọng hoặc đang có nhiều vướng mắc, bất cập để hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết. Cụ thể như việc áp dụng các quy định mới của Luật Đấu thầu để tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm; việc phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Đối với Luật Giá, các bộ cần rà soát, ban hành các văn bản về giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ mới được bổ sung tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các hàng hóa, dịch vụ có thay đổi thẩm quyền, hình thức định giá; đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá của đội ngũ công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị để bảo đảm thực hiện quy định mới về thẩm định giá của Nhà nước theo Điều 60 của Luật Giá khi có phát sinh...

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh chia sẻ, vẫn còn có tình trạng hiểu và áp dụng pháp luật chưa nhất quán giữa các địa phương, còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, vấn đề này cần được quan tâm, khắc phục, tránh gây đình trệ trong thi hành pháp luật.

Cũng cho rằng pháp luật mâu thuẫn chồng chéo, khó áp dụng là vấn đề nổi cộm, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị cần tháo gỡ nhanh chóng tình trạng này, để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Tiến độ xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đối với Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, thời gian dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11/2023.

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ được triển khai xây dựng ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, do nghị định này phụ thuộc vào nội dung quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi) - dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Chuyên đề