Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ, năm 2018 là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời cũng là năm đánh giá giữa kỳ khả năng hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 là: Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Cải thiện đời sống Nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội…
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018 và các nhiệm vụ đã được đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, nhằm hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xử lý nhanh nợ xấu. Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản. Điều hành linh hoạt tỷ giá trên cơ sở diễn biến của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường quốc tế…
Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Tăng cường quản lý, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh công tác phân bổ, giao vốn và giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công, nhất là cho các dự án hạ tầng quan trọng, có sức lan tỏa cao và kết nối phát triển, các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai ở một số địa phương.
Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ chủ trì phối hợp rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh mạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, đưa 5 bệnh viện trung ương và tuyến cuối vào hoạt động, phát triển y tế ngoài công lập.
Đồng thời chấn chỉnh quản lý dược, thực hiện hiệu quả đấu thầu thuốc tập trung. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh, bảo đảm an toàn trong cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo các chính sách, đề án đã được phê duyệt...