Dự thảo luật mới: Tính phương án phá sản ngân hàng yếu kém

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, trong đó quy định các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản... tổ chức tín dụng yếu kém và cho phép bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế.  Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô.

Do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất. Pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập...

Quá trình tổng kết cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống ngân hàng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện.

Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu bằng việc ban hành Luật riêng là rất cần thiết.

Dự thảo Luật quy định về 3 nội dung lớn gồm: Việc cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, Chương II dự thảo quy định về phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Các phương án xử lý bao gồm: Phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản); phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (NHNN nhận chuyển giao bắt buộc hoặc chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc).

Trong trường hợp phá sản, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt của NHNN đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc chi trả tiền gửi cá nhân trong trường hợp này không bao gồm tiền gửi của người quản lý, người điều hành, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn và những người có liên quan...

Chương III quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Để đảm bảo hiệu quả việc xử lý nợ, dự thảo Luật quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ theo giá trị thị trường, bao gồm cả việc bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ...

Dự thảo có nhiều điểm mới so với Luật Các tổ chức tín dụng; đặc biệt có những quy định hoàn toàn mới, các văn bản pháp luật hiện hành không có, như quy định về phát hiện và xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt; đánh giá thực trạng và xây dựng phương án xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt; TCTD được kiểm soát đặc biệt được xem xét áp dụng một hoặc một số các biện pháp hỗ trợ; quy định về bán nợ có tài sản bảo đảm đang bị kê biên, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng...

NHNN cũng cho biết hiện còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nhiều vấn đề liên quan tới dự thảo Luật. Đáng lưu ý, NHNN cũng nhắc tới phương án thay vì ban hành Luật, có thể tách thành 2 văn bản gồm Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý TCTD yếu kém, dự thảo Luật quy định: Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của TCTD được NHNN chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt không chịu trách nhiệm về kết quả của việc thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, trừ trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Lý giải việc này, NHNN cho biết, việc xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt trên thực tế đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho các cán bộ xử lý trực tiếp, qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý. Tuy nhiên, NHNN thừa nhận đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Chuyên đề