Sau 04 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 và hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định như: tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện. Số lượng tổ chức tín dụng đã giảm được khoảng 22 tổ chức. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế, chủ yếu như: Hiệu quả kinh doanh chưa cao do gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn. Do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của tổ chức tín dụng còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai việc hỗ trợ.
Do đó, việc xây dựng dự thảo Luật này là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng theo Nghị quyết Trung ương số 05-NQ/TW khóa XII, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống...
Kiểm soát đặc biệt
Theo dự thảo, các quy định về xác định tổ chức tín dụng yếu kém được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức tín dụng đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, bên cạnh đó bổ sung quy định về:
- Nguồn thông tin để phát hiện tổ chức tín dụng yếu kém thông qua: Hoạt động giám sát, hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước; Báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập; Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan nhà nước khác hoặc cơ quan giám sát nước ngoài có liên quan.
- Một số trường hợp xem xét đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt như: Mất khả năng thanh toán; mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro; vi phạm pháp luật của người quản lý, người điều hành...
Dự thảo Luật đã kế thừa và hoàn thiện các quy định về kiểm soát đặc biệt hiện đang được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 trên cơ sở tổng kết, đánh giá các vướng mắc, chưa hoàn thiện trong quá trình thực thi trên thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật quy định cụ thể về việc quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt; về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt; trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng yếu kém; Thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng yếu kém; Khoản vay đặc biệt.
Xây dựng phương án xử lý, thực hiện phục hồi
Để đảm bảo việc xem xét lựa chọn phương án xử lý phù hợp với thực trạng của từng tổ chức tín dụng, dự thảo Luật bổ sung quy định về đánh giá thực trạng của tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó bao gồm nội dung về đối tượng thực hiện, cách thức đánh giá, thời hạn đánh giá phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, cũng quy định cụ thể về việc xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án phục hồi tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định cụ thể về xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án xử lý pháp nhân cho tổ chức tín dụng yếu kém. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của việc xử lý pháp nhân đối với tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm xây dựng, thẩm quyền phê duyệt, trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án xử lý pháp nhân.