Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cân nhắc giới hạn cấp tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 15/1/2024, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 15/1/2024. Ảnh: Lê Tiên
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 15/1/2024. Ảnh: Lê Tiên

Trình bày Báo cáo Tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Về nội dung này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) ủng hộ chủ trương giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đối với các khách hàng tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi giảm tỷ lệ này cần phải giải quyết được các khó khăn có thể gặp phải, chẳng hạn môi trường tín dụng của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia trong khu vực. Đại biểu này cho rằng, Ban soạn thảo có thể cân nhắc thêm phương án phân loại các tổ chức tín dụng theo tổng số vốn tự có tương ứng với tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng khác nhau.

Chuyên đề