Dự luật y tế bị rút - thất bại ê chề của Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường ca ngợi là nhà đàm phán giỏi nhưng nỗ lực thương thuyết của ông không giúp dự luật cải cách y tế giành được sự ủng hộ cần thiết tại hạ viện Mỹ.
Dự luật y tế bị rút - thất bại ê chề của Trump

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc phe Cộng hòa tại hạ viện Mỹ rút dự luật chăm sóc y tế Mỹ (AHCA) hôm 24/3, một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Trump, là một thất bại ê chề, theo Reuters.

Trump muốn bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền do cựu tổng thống Obama khởi xướng (còn gọi Obamacare) và thay thế nó bằng dự luật AHCA (hay còn gọi là Trumpcare). Trump cho cho rằng Obamacare là "thảm họa" vì khiến mức phí bảo hiểm y tế tăng cao và không làm tăng đáng kể số người dân được bảo hiểm y tế.

Cây bút James Oliphant của Reuters nhận định thất bại trên của Trump đặt ra hoài nghi về khả năng của tân tổng thống Mỹ trong việc khiến quốc hội thông qua những dự luật quan trọng. Đối với một doanh nhân nổi tiếng như Trump, người luôn tự cho mình là bậc thầy về đàm phán và dàn xếp, thất bại này cũng gieo các nghi ngờ về khả năng của ông trong việc thực hiện cam kết táo bạo "tháo sạch nguồn nước độc hại ở đầm lầy Washington", ám chỉ thay đổi hệ thống quyền lực ở Washington.

Nhà Trắng muốn thúc đẩy nhanh nhiều kế hoạch quan trọng khác bao gồm cải cách thuế và gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng khổng lồ trong năm nay, nhưng giờ đây Nhà Trắng phải xem xét lại liệu có cần thay đổi cách tiếp cận hoặc liệu các đồng minh tại quốc hội như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan có đủ sức giúp dự luật được thông qua hay không.

"Đây là ngày thê thảm nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Đó không đơn giản là một thất bại bình thường mà là thất bại gây choáng váng", Charlie Sykes, một nhà bình luận chính trị phe Cộng hòa có tiếng ở bang Wisconsin, viết trên Twitter.

Thất bại do thiếu kinh nghiệm

Trump dường như quy kết thất bại này một phần là do ông thiếu kinh nghiệm điều hành chính quyền, sau khi các lãnh đạo hạ viện buộc phải rút dự luật AHCA vì sự "đào ngũ" của các nghị sĩ Cộng hòa theo trường phái ôn hòa và cực hữu, những người không lay chuyển trước tối hậu thư của Trump kêu gọi phải bỏ phiếu ủng hộ dự luật AHCA hoặc sống chung với Obamacare.

"Chúng tôi học được rất nhiều về sự trung thành. Chúng tôi học được rất nhiều về quá trình vận động để dự luật được bỏ phiếu", Trump nói sau khi AHCA bị rút.

'Nghệ thuật bán hàng' mang thương hiệu Trump dường như đã vô hiệu. Mặc dù ông ra sức tìm kiếm sự ủng hộ của các nghị sĩ bảo thủ cứng rắn phe Cộng hòa - những người phản đối dự luật AHCA, phần lớn họ vẫn từ chối nhượng bộ. Và khi làm như vậy, ông cũng bị những nghị sĩ ôn hòa của phe Cộng hòa xa lánh dù họ ban đầu ủng hộ dự luật. Trump sau đó thay đổi chiến thuật, từ bỏ nỗ lực 'thuần phục' những nghị sĩ bảo thủ chỉ trích AHCA và thay vào đó, ông đưa ra tối hậu thư hối thúc tất cả nghị sĩ Cộng hòa phải ủng hộ AHCA. Rốt cục, chiến thuật này cũng không có kết quả.

Trump cũng không thuyết phục được công chúng Mỹ rằng AHCA là một bước cải tiến so với Obamacare. Các cuộc khảo sát cho thấy AHCA bị phản đối gay gắt và nhiều nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa phàn nàn rằng văn phòng của họ bị những cử tri phản đối AHCA dồn dập gọi đến.

Người dân biểu tình bên ngoài Nhà Trắng hôm 23/3 để phản đối kế hoạch bãi bỏ Obamacare của Tổng thống Trump. Ảnh:Metro.us

"Điều này cho thấy vận động tranh cử và làm luật là hai vấn đề khác biệt", Jim Manley, cựu quan chức tại thượng viện Mỹ nhận xét.

Nghị sĩ Joe Barton đổ lỗi thất bại trên là do những thành viên đảng Cộng hòa đang kiểm soát Nhà Trắng, thượng viện và hạ viện vẫn đang học cách để điều hành sau 8 năm cầm quyền của chính quyền Obama. Nghị sĩ Mario Diaz-Balart gọi đó là 'một đòn giáng nặng nề' cho chương trình nghị sự của phe Cộng hòa.

Các nỗ lực của Trump nhằm tranh thủ sự ủng hộ của những người chống đối dự luật AHCA dường như càng làm rối thêm quy trình, vì ông gần như loại bỏ Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan ra khỏi các cuộc đàm phán. Ngay cả khi Trump đưa ra nhượng bộ, các nghị sĩ bảo thủ của phe Cộng hòa vẫn không lay chuyển lập trường trong khi các nghị sĩ ôn hòa phe Cộng hòa lại tức giận.

Stuart Diamond, giáo sư giảng dạy môn đàm phán ở Trường Wharton thuộc Đại học bang Pennsylvania, cho rằng chiến thuật lên gân đe dọa của Trump đã phản tác dụng. "Nhìn chung, những lời đe dọa không mang lại kết quả. Chúng gây tổn thương cho các mối quan hệ. Chúng chắc chắn không có tác dụng trong trường hợp có nhiều bên liên quan khác nhau và quyền lực bị phân tán", ông nói.

Sau khi dự luật AHCA được sửa đổi phù hợp với một số yêu cầu chi tiết của Trump, Văn phòng ngân sách quốc hội (CBO) ước tính rằng dự luật sẽ khiến 24 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế trong 10 năm tới và giúp giảm thâm hụt ngân sách 150 tỷ USD.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Bill Huizenga, chủ một doanh nghiệp nhỏ cho rằng Trump vẫn đang học làm quen với công việc điều hành nhà nước. "Có những điểm tương đồng giữa công việc điều hành chính phủ và doanh nghiệp nhưng chúng không giống nhau hoàn toàn", ông nói.

Chuyên đề