Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm 2022 tăng từ 5% đến 8%

0:00 / 0:00
0:00
Nằm trong nhóm Top 5 mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu tỷ đô trong 4 tháng đầu năm, gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo tăng trưởng xuất khẩu đến 8% nửa đầu năm 2022.
4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021
4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021

Xuất khẩu gỗ tăng trưởng khả quan

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,14 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, 4 tháng đầu năm 2022, đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, hiện, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ... đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Trong tình hình hiện tại, mặc dù doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như tình hình dịch Covid-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động, xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp ngành gỗ đã vượt khó, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm 2022.

Với kết quả tích cực đạt được trong những tháng đầu năm 2022, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 sẽ tăng từ 5% đến 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Theo nguồn prnewswire.com, quy mô thị trường đồ nội thất toàn cầu đạt 637,26 tỷ USD trong năm 2021, dự báo đạt 945,53 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.

Hiện tại nhu cầu gỗ và đồ nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý III/2022, thậm chí là hết năm 2022. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16 tỷ USD trong năm 2022 có khả năng thực hiện được.

Là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đến nhiều thị trường, ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phú Tài - cho biết: thời điểm này, doanh nghiệp vẫn đang nghiên cứu nắm bắt và mở rộng thị trường. Tất nhiên, doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với những khó khăn do chi phí logistics, lạm phát tại thị trường nhập khẩu, giá dầu hay do xung đột Nga - Ukraina làm các chi phí đầu vào của ngành gỗ tăng nhanh.

Tuy nhiên, đâylà thời điểm các nhà nhập khẩu chia sẻ với các nhà sản xuất. Vấn đề cơ bản nhất là nhu cầu về gỗ và sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới tăng trong khi phần cung ra thị trường của Trung Quốc có thể giảm mạnh. Ngoài ra, một số quốc gia khác như Malaysia, Indonesia trước đây phát triển mạnh gỗ và sản phẩm gỗ thì nay cũng đang có xu hướng giảm xuống. Đây là cơ hội cho Việt Nam.

“Con số xuất khẩu 16 tỷ USD là một con số khá khiêm tốn trong tổng nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ trên toàn thế giới. Đặc biệt tại thị trường Mỹ, EU, sản lượng gỗ được sử dụng rất nhiều với kim ngạch hàng trăm tỷ đô với đồ gỗ furniture và nhu cầu về đồ gỗ furniture được đánh giá không bao giờ hết. Gỗ luôn là vật liệu tái sinh số 1”, ông Nguyễn Sỹ Hòe đánh giá.

Còn theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam được thúc đẩy bởi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới, đang thực hiện chiến lược “Zero Covid” khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn… Mặt khác, Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ do chi phí tăng cao.

Trong khi đó, Italy, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao, do nguồn cung gỗ bị hạn chế do nhiều yếu tố tác động. Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Theo các chuyên gia, vẫn còn những khó khăn nhất định mà ngành gỗ đang phải đối mặt dẫn đến làm chậm các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành. Do đó, bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng trong nước thì việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện hiệu quả các FTAs là việc mà các doanh nghiệp phải đẩy mạnh thực hiện.

Chuyên đề