Việc quản lý hoạt động đầu tư của các dự án PPP cần được thực hiện trên nguyên tắc quản lý đầu ra. Ảnh: Lê Tiên |
Quy định đầu vào vừa bó buộc nhà đầu tư, vừa dễ phát sinh tiêu cực
Theo Bộ Tài chính, quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành ở Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc quản lý đầu vào, giá trị công trình dự án được quyết toán theo chi phí thực tế phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước, được phép điều chỉnh (tăng) tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của Nhà nước và được quyết toán để làm cơ sở xác định mức phí và thời gian thu phí của dự án. Giá trị công trình dự án hoàn thành là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và nhà đầu tư đàm phán, điều chỉnh lại phương án tài chính dự án PPP sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra thông lệ quốc tế, việc quản lý hoạt động đầu tư của các dự án PPP được thực hiện trên nguyên tắc quản lý đầu ra trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư có năng lực tốt để thực hiện dự án với mức chi phí thực tế thấp hơn so với mức chi phí quy định trong hợp đồng BOT thì sẽ được hưởng lợi từ phần chênh lệch. Đối với trường hợp chi phí thực tế đầu tư công trình dự án cao hơn so với chi phí trong hợp đồng thì nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ phần chênh lệch này. Do vậy, việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án sẽ rất hạn chế. Điều này buộc nhà đầu tư phải quản lý chi phí dự án có hiệu quả.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn cũng cho rằng quy định pháp luật về PPP còn mang tính ấn định, chưa mang tính định hướng kết quả là điểm hạn chế, vướng mắc lớn. Tính ấn định được hiểu là các bên tham gia phải tuân thủ theo phương pháp và quy định được đặt ra từ đầu, kể cả khi các phương pháp và quy định này chỉ mang tính thủ tục. Trong khi đó, kết quả đầu ra như thế nào là quan trọng hơn cách thức thực hiện để tạo ra kết quả đó.
Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng lấy ví dụ để chuẩn bị một dự án PPP có thể đưa ra đấu thầu, CQNNCTQ phải tiến hành thực hiện và phê duyệt nhiều tài liệu như một phần của báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, thiết kế cơ sở của dự án theo Luật Xây dựng, công nghệ sử dụng trong dự án theo Luật Chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ở giai đoạn lập BCNCKT, các nội dung chi tiết của dự án chưa được làm rõ, mà phụ thuộc vào kết quả đấu thầu sau đó. CQNNCTQ gặp khó khăn khi giải quyết các yêu cầu này của các văn bản pháp luật, dẫn đến những chậm trễ đáng kể trong quá trình chuẩn bị dự án.
Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng kỳ vọng Luật PPP nên có một cách tiếp cận khác, đó là xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Luật PPP có thể yêu cầu CQNNCTQ đưa ra các tiêu chí mong muốn về kết quả đầu ra, nhà đầu tư tham gia đấu thầu được tự do cơ cấu dự án theo cách thức tốt nhất để đạt được kết quả mong muốn và tuân thủ pháp luật.
Bỏ quyết toán, nhà đầu tư chấp nhận nguyên tắc thị trường
Trong quá trình xây dựng Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, nên xem xét vấn đề này. Theo Bộ KH&ĐT, việc quyết toán công trình dự án PPP sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng như các dự án đầu tư công là không đảm bảo khoa học, vì bản chất PPP là Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng, vận hành dự án trong suốt vòng đời 20 - 30 năm, hoàn toàn khác với các dự án sử dụng vốn nhà nước để thi công.
Bộ KH&ĐT đưa ra kinh nghiệm tại Hàn Quốc, giá công trình là trọn gói và không quyết toán chi phí xây dựng, Nhà nước kiểm soát qua bộ chỉ số yêu cầu về chất lượng công trình/dịch vụ được quy định tại hợp đồng dự án. Đồng thời, Luật PPP tại các nước khác hầu hết cũng không có quy định “quyết toán” mà chỉ quy định về nghiệm thu công trình.
Tại Hội thảo tham vấn về một số nội dung chính sách xây dựng Luật PPP diễn ra cuối tuần qua, Bộ KH&ĐT đưa ra hai phương án đối với vấn đề này. Với phương án 1, trường hợp lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu cạnh tranh, việc quyết toán chỉ yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện nghiệm thu về chất lượng công trình (không yêu cầu quyết toán như dự án sử dụng vốn nhà nước). Trường hợp chỉ định nhà đầu tư sẽ giữ nguyên quy định tại Thông tư 55/2015/TT-BTC và Thông tư 09/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Phương án 2 theo hướng bỏ hoàn toàn quy định quyết toán công trình dự án PPP, chỉ yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện nghiệm thu về chất lượng công trình (không phân biệt trường hợp chỉ định nhà đầu tư).
Theo một chuyên gia, nếu lựa chọn nhà đầu tư, quản lý theo tiêu chuẩn đầu ra, tổng mức đầu tư xác định ngay tại bước đấu thầu và giá trị công trình dự án quy định tại hợp đồng sẽ là giá trị chính thức thì trong quá trình thi công xây dựng nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận nguyên tắc thị trường là lời ăn lỗ chịu, sẽ không còn động cơ nâng khống tổng mức đầu tư và đương nhiên sẽ tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhà nước chỉ cần giám sát công trình, dự án, quá trình vận hành có đảm bảo theo các tiêu chuẩn đầu ra đã quy định hay không.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, nếu không giải quyết được những câu hỏi có cần quyết toán hay không, có chốt được tổng mức đầu tư khi đấu thầu hay không, thì sẽ mãi mãi không minh bạch được dự án PPP.