Dự án giao thông: Khan hiếm vật liệu, nhà thầu lo vỡ tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng tại nhiều công trình giao thông lớn ở khu vực phía Nam khiến nhà thầu phải chật vật xoay xở nhằm bảo đảm tiến độ thi công. Trong khi các mỏ chưa được phê duyệt để khai thác, nhà thầu bị hét giá khi chủ động tìm nguồn vật liệu.
Tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp không đáp ứng nhu cầu cho 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp không đáp ứng nhu cầu cho 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Từ cao tốc đến đường tỉnh đều kêu cứu

Cuối năm 2020, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 được công bố trúng Gói thầu số 7 Thi công toàn bộ công trình thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện, tỉnh Bình Thuận với giá trúng thầu là 324,458 tỷ đồng. Tiếp đó, nhà thầu này trúng Gói thầu số 8 Xây lắp toàn bộ công trình thuộc Dự án Làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, tỉnh Bình Thuận với giá 718,584 tỷ đồng.

Cùng thời gian này, tại Dự án Đường đến trung tâm các xã Đồng Kho, Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Măng Tố, Đức Tân, Nghị Đức, Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận (ĐT.717), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thanh Niên trúng Gói thầu số 4 Xây lắp toàn bộ công trình với giá 85,735 tỷ đồng. Công ty CP Thiết kế xây dựng Kiến Việt trúng Gói thầu số 6 Xây lắp toàn bộ công trình thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐT.718 (đoạn từ ga Bình Thuận đến xã Hàm Cần), huyện Hàm Thuận Nam với giá 58,232 tỷ đồng.

Các gói thầu trên đều có thời gian thực hiện hợp đồng hơn 700 ngày, sử dụng khối lượng vật liệu xây dựng lớn. Tuy nhiên, ngay từ khi tiếp nhận mặt bằng, tổ chức triển khai thi công, các nhà thầu đã gặp rất nhiều trở ngại khi vật liệu cơ bản như đất, đá đều khan hiếm, đội giá.

“Đất đắp đang khan hiếm và giá vật liệu này tăng mạnh, đội giá cao hơn dự toán rất nhiều, dao động từ 20 - 30%. Điều này đặt các nhà thầu vào thế khó”, đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 cho biết.

Trong khi đó, đại diện nhà thầu thi công đường ĐT.718 cho biết, các mỏ vật liệu đang khai thác trữ lượng không còn nhiều. Các mỏ trong quy hoạch sắp được cấp phép thì chủ mỏ hét giá cao khiến nhà thầu rất vất vả để xoay xở.

Tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công vào cuối tháng 9/2020, tình hình không khá hơn. Các nhà thầu trúng Gói thầu số 3-XL và Gói thầu số 4-XL cũng không kịp trở tay khi nguồn cung vật liệu rất khó khăn dù công trình đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - “thiên đường” của các mỏ vật liệu đất, đá. “Nhiều năm nay, Đồng Nai là địa bàn cung ứng vật liệu đất, đá lớn nhất khu vực, thậm chí cho cả Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm đất, đá phục vụ công tác đắp mặt bằng của các nhà thầu đã căng thẳng ngay sau khi phát lệnh khởi công”, Chủ đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết.

Theo Bộ Giao thông vận tải, 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang trong tình trạng tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Chỉ riêng Gói thầu số 3-XL thuộc Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cần hơn 3,2 triệu m3 đất đắp, trong khi khả năng cung cấp chưa đạt một nửa. Chủ đầu tư khuyến cáo, sau tháng 3/2021, nếu các mỏ trên địa bàn chưa được cấp phép, khả năng đình trệ thi công là tất yếu.

Tìm phương án khắc phục

Nhà thầu thi công Gói thầu số 3-XL thuộc Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khẳng định, trong khu vực thi công Dự án có 4 mỏ đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác. Do đó, Nhà thầu phải chủ động tìm nguồn vật liệu từ các mỏ khác xa hơn, chi phí cao hơn để bảo đảm tiến độ thi công.

Do vật liệu quá khan hiếm, các nhà thầu đã dành nhiều thời gian khảo sát và đề xuất nhiều vị trí có nguồn đất đắp đáp ứng yêu cầu dự án; đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai để được cấp phép khai thác nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Cụ thể, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) có các mỏ đất gồm: đồi Bình Minh, Gia Măng, ấp Chính Nghĩa, ấp Tân Mỹ. Các nhà thầu đã ký hợp đồng với các chủ mỏ để triển khai xin cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, thủ tục cấp giấy phép khai thác mất rất nhiều thời gian, hồ sơ đến nay chưa hoàn thiện.

“Vật liệu đất, đá đắp nền cần sử dụng ngay trong giai đoạn đầu của quá trình thi công. Do đó, việc khan hiếm các vật liệu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của các gói thầu xây lắp lớn. Các nhà thầu đã phải tận dụng đất đào từ nền đường để thi công. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời”, một nhà thầu cho biết.

Thực tế, tình hình khan hiếm vật liệu đắp nền ở 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai là bài toán nan giải của chính quyền địa phương và ngành giao thông. UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận, thời gian thực hiện thủ tục vẫn còn dài gây khó khăn cho cả chính quyền và doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ vật liệu. UBND tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ ưu tiên rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục để sớm đưa các mỏ đất trên địa bàn ra đấu giá.

Chuyên đề