Dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM) được kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Song Lê |
Dự án trên được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2016 với tổng kinh phí hơn 4.848 tỷ đồng. Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Dự án có tổng cộng 17 gói thầu, trong đó có 8 gói thầu xây lắp.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Bên mời thầu), đến nay, các gói thầu tư vấn quan trọng của Dự án đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu. Trong đó, Gói thầu số 5 Tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, an toàn giao thông đã thuộc về Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế B.R - Công ty CP Thương mại Xây dựng Giao thông Thái Bình với giá trúng thầu 1,12 tỷ đồng. Trước đó, Bên mời thầu đã chỉ định Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Quỳnh Lâm thực hiện Gói thầu số 4 Tư vấn giám sát khảo sát xây dựng.
Tháng 8/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã chọn Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn, hầm - Công ty CP IDECO Việt Nam trúng Gói thầu số 3 Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công với giá 24,384 tỷ đồng (giảm 1,363 tỷ đồng so với giá gói thầu). Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Nhất Nguyên được Bên mời thầu lựa chọn thực hiện Gói thầu số 2 Tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).
Theo kế hoạch, trong tháng 10 và tháng 11/2022, các gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án sẽ được phát hành HSMT để lựa chọn đơn vị thi công.
Trong 8 gói thầu xây lắp, có giá trị lớn nhất (hơn 509,457 tỷ đồng) là Gói thầu số 11 Xây dựng cầu cạn từ mố M1 đến trụ T15 (bao gồm trụ T15) và đường, vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ Km1+210 (mố M1) đến Km1+730 (trụ T15) và đường 18E (đoạn từ Km1+210 kết nối vào Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất).
Các gói thầu còn lại là: Gói thầu số 9 Xây dựng hầm chui, đường vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ Km0+0.00 (đầu tuyến) đến Km0+370 (đường Thăng Long) với giá 302,714 tỷ đồng; Gói thầu số 10 Xây dựng đường, tường chắn, vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ Km0+370 (đường Thăng Long) đến Km0+990 (giáp đường 18E) và đường 18E (đoạn từ Km1+210 (mố M1) đến đường Cộng Hòa) với giá 133,996 tỷ đồng; Gói thầu số 12 Xây dựng cầu cạn từ trụ T15 đến mố M2 và đường, vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ Km1+730 (trụ T15) đến Km2+190 (mố M2) với giá 410,463 tỷ đồng; Gói thầu số 13 Xây dựng đường, tường chắn, vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ Km2+190 (mố M2) đến Km3+452 (cuối tuyến) và vuốt nối mở rộng đường Trường Chinh tại cuối tuyến (100,16 tỷ đồng); Gói thầu số 14 Xây dựng hầm chui tại nút giao đường Trường Chinh - đường Tân Kỳ Tân Quý (321,456 tỷ đồng)…
Chỉ trừ gói thầu điện chiếu sáng và gói thầu cây xanh, các gói thầu xây lắp đều được đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Theo Bên mời thầu, đây là dự án lớn nhất thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông của TP.HCM được khởi công cuối năm 2022. Do quỹ đất hạn hẹp, Dự án được thiết kế 2 hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý. Dự án khi đưa vào sử dụng sẽ giúp xử lý tình trạng quá tải của đường Trường Sơn - tuyến duy nhất kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất với nội đô TP.HCM.
Bên mời thầu cho biết, hơn 90% diện tích đất cần thu hồi (11,8 ha) phục vụ Dự án thuộc quỹ đất của Bộ Quốc phòng, do đó, thủ tục, thời gian lập hồ sơ, thống nhất các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài. “Do tính cấp bách của Dự án, không thể đợi bàn giao mặt bằng 100% mới khởi công. TP.HCM sẽ triển khai các gói thầu đã có mặt bằng tại hạng mục hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn ngay khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể đưa Dự án vào sử dụng năm 2024”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết.