Ảnh minh họa: Song Lê |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Gần như đồng thời, UBND TP.HCM có công văn gửi Bộ GTVT nêu ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đoạn qua địa bàn TP.HCM).
Theo UBND TP.HCM, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1 đang được thi công, dự kiến cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2025 - 2026. Như vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải đường sắt nói chung, vùng Đông Nam Bộ, dự thảo các đồ án TP.HCM đang triển khai nói riêng, phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư của Chính phủ và tình hình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, năng lực chuyên chở hành khách của tuyến đáp ứng khoảng 40.000 người/hướng/giờ; kết nối trung tâm TP.HCM đến sân bay Long Thành và các đô thị dọc tuyến đường sắt; kết nối với đường sắt đô thị số 2 TP.HCM tại ga Thủ Thiêm; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu tại ga S18; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại ga Thủ Thiêm và ga Long Thành. TP.HCM nhận định, đây là phương thức vận tải hành khách hiệu quả, bền vững cho khu vực và TP.HCM.
Về hướng tuyến, UBND TP.HCM thống nhất phương án bố trí tuyến của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đoạn qua địa bàn Thành phố) đi song song về phía Nam của đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (sát phía ngoài cùng bên phải của đường bộ và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam) và đi song song về bên trái của đường Vành đai 3 TP.HCM (phía bên ngoài của tuyến).
“UBND TP.HCM hoàn toàn thống nhất về các mục tiêu đầu tư Dự án. Trong bước nghiên cứu tiếp theo, đề nghị bổ sung luận cứ cụ thể hơn, lượng hóa một số chỉ tiêu như nhu cầu lưu thông hành khách và năng lực chuyên chở mà tuyến đáp ứng được...”, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch TP.HCM chia sẻ.
Tuy nhiên, theo TP.HCM, Dự án có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, trong khi hiện nay chính sách về đất đai đã hoàn toàn khác so với trước. Do đó, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cần rà soát toàn bộ cơ sở pháp lý có liên quan, các quy định pháp luật về đất đai hiện hành, không viện dẫn các quy định đã hết hiệu lực pháp luật, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, các quy định đã được sửa đổi, bổ sung vào nội dung báo cáo có liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Về phía tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND Tỉnh Võ Tấn Đức cho biết cũng vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về dự án này. Theo đó, Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án để chia sẻ lưu lượng phương tiện cho hệ thống đường bộ. “Khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, dự kiến 70% lượng khách sẽ đi về TP.HCM, áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ là rất lớn. Do đó, Dự án cần triển khai sớm, kịp thời nhằm phát huy hiệu quả của loạt dự án trọng điểm đang trên đà về đích (Vành đai 3 TP.HCM, Cảng hàng không Long Thành, Vành đai 4 TP.HCM…).
Tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, hướng tuyến trên cơ bản phù hợp với quy hoạch tỉnh; quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch và quy hoạch sử dụng đất của các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Dương Mạnh Hưng, một số vị trí có chồng ranh đất giải phóng mặt bằng với Dự án Vành đai 3 TP.HCM. Do đó, tư vấn cần rà soát lại để tránh chồng lấn, phải điều chỉnh, gây chậm trễ.
Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có tổng chiều dài tuyến chính 41,83 km, chiều dài đường dẫn depot 4,4 km. Tuyến có 30,67 km đi trên cao (cầu cạn, cầu vượt sông); 15,13 km đi hầm; 0,43 km đi trên nền đường đất. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 84.752 tỷ đồng (tương đương 3,45 tỷ USD) từ nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.504 tỷ đồng.