Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên có chiều dài hơn 3,2 km, với tổng mức đầu tư khoảng 2.607 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Cụ thể, tại Công văn số 4816/UBND-DA (ngày 18/9/2023) gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, cải thiện điều kiện dân sinh khu vực phía Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên theo hợp đồng BT. Dự án có điểm đầu tại nút giao đường Bình Tiên với đường Phạm Văn Chí hiện hữu (Quận 6), điểm cuối kết nối vào đường Nguyễn Văn Linh (tại điểm giao với Quốc lộ 50 mới đang xây dựng, thuộc huyện Bình Chánh) với tổng chiều dài 3,219 km, trong đó phần cầu dài 926,6 m.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.607 tỷ đồng, chia thành 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 - Xây cầu, đường Bình Tiên đoạn từ đường Phạm Văn Chí (Quận 6) đến đường Tạ Quang Bửu (Quận 8) dài khoảng 1.413 m (gồm cầu Bình Tiên và 2 nhánh cầu). Tiểu dự án 2 - Xây dựng đoạn đường từ đường Tạ Quang Bửu (Quận 8) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài khoảng 1.805 m.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 5/2016, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo đàm phán hợp đồng với các nhà đầu tư và ký kết thỏa thuận đầu tư... Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm, xác định quỹ đất để thanh toán hợp đồng BT chậm và thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Hiện tại, Dự án không đủ điều kiện để thực hiện chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 Luật PPP đối với các dự án đầu tư theo hình thức BT.
Theo tìm hiểu, năm 2010, có nhà đầu tư đề xuất Dự án nhưng do không thỏa thuận được về phương thức đổi đất lấy hạ tầng nên đình trệ nhiều năm. Năm 2017, Dự án được tái khởi động theo hình thức BT. Theo đó, Tiểu dự án 1 do Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông - Tổng công ty 319 làm Chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 2.604 tỷ đồng. Tiểu dự án 2 do Liên danh Công ty CP Licogi 16 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 903 tỷ đồng.
Theo UBND TP.HCM, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất không còn có cơ sở pháp lý thực hiện. Đồng thời, Thành phố đang thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết số 98/2023/QH15. Theo đó, cho phép Thành phố áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao. Thành phố cũng được phép áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.
Vì các lý do trên, UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện Dự án theo hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất theo các căn cứ pháp lý trước đây. Thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách có liên quan theo Nghị quyết 98/2023/QH15 để triển khai thực hiện Dự án thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi và phù hợp quy định hiện hành.
Vào thời điểm tháng 11/2022, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) có văn bản gửi tới UBND TP.HCM đề xuất việc nghiên cứu Dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên theo hợp đồng BOT. Ngày 17/5/2023, CC1 tiếp tục có văn bản gửi Thành phố thể hiện mong muốn được tiếp cận thông tin liên quan đến Dự án để nghiên cứu và đề xuất thực hiện.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ tại CC1 cho biết: “CC1 đã gửi đề xuất và đưa ra phương án đầu tư. Tuy nhiên, Thành phố đang xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ việc dừng triển khai Dự án theo hình thức BT, sau đó mới tiến hành triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo hình thức BOT. Do đó, CC1 đang chờ phản hồi từ Thành phố và vẫn mong muốn đầu tư Dự án”.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, Dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên nằm trong nhóm các dự án được Sở đề xuất thực hiện theo hình thức BOT trên đường hiện hữu và Thành phố định hướng lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu trong thời gian tới. Sở đang triển khai nghiên cứu để tham mưu cho UBND Thành phố khi tiến hành các thủ tục đầu tư. Đối với hợp đồng BT đã ký, khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng triển khai, Thành phố sẽ đàm phán với các liên danh nhà đầu tư trước đây.
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đấu thầu ở khu vực Dự án cho thấy, đoạn đường Bình Tiên (thuộc Quận 6), điểm đầu Dự án có tình trạng giao thông thường xuyên ùn tắc. Người dân ở 2 đầu tuyến Dự án đều bày tỏ mong mỏi Dự án sớm triển khai để giao thông kết nối giữa Quận 8, huyện Bình Chánh với Quận 6 hướng vào trung tâm Thành phố thông suốt. Đồng thời, giải tỏa nhiều bất tiện về quy hoạch xây dựng, bởi Dự án đã có chủ trương hàng chục năm song chưa được thực hiện.