Khi cầu Đầm Vạc hoàn thành sẽ làm tăng giá trị nhiều dự án đang hình thành quanh Đầm Vạc như khu đô thị Bắc Đầm Vạc, khu đô thị Nam Đầm Vạc… Ảnh: Phương Linh |
Với sự phát triển của nhiều dự án đô thị khu vực quanh Đầm Vạc, dự án này khi hoàn thành sẽ có tác động lan tỏa rất lớn.
Ngày 10/7/2020, Gói thầu OP-CW01 Xây dựng cầu Đầm Vạc bắt đầu được Ban Quản lý dự án (QLDA) sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT). Thời gian phát hành kéo dài đến 8 giờ ngày 5/8/2020. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, với nội dung chính gồm: xây dựng cầu Đầm Vạc, đường dẫn đầu cầu, cột trang trí, điện trang trí, đường dây và trạm biến áp. Thời gian thực hiện hợp đồng là 15 tháng.
Theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh được Ban QLDA sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc đăng tải ngày 9/7/2020, Gói thầu OP-CW01 có giá là 498,269 tỷ đồng. Gói thầu này thuộc Dự án Cầu Đầm Vạc, TP. Vĩnh Yên, với tổng mức đầu tư là 612,527 tỷ đồng. Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán là Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Hưng Phú, địa chỉ tại Hà Nội.
Theo yêu cầu tại HSMT của Gói thầu OP-CW01 Xây dựng cầu Đầm Vạc, nhà thầu cần đáp ứng yêu cầu doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng tối thiểu là 474 tỷ đồng trong vòng 3 năm trở lại đây (2017 - 2019). Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc phần lớn ít nhất 1 hợp đồng xây dựng công trình giao thông cầu đường bộ cấp III trở lên, có giá trị hợp đồng từ 277 tỷ đồng trở lên; có số nhịp cầu lớn hơn hoặc bằng 9 nhịp dầm bản rỗng bê tông cốt thép dự ứng lực chiều dài lớn hơn hoặc bằng 35m đúc trên đà giáo, móng cọc khoan nhồi đường kính D lớn hơn hoặc bằng 1,2m; có hạng mục tường chắn, cột thép, điện chiếu sáng mỹ thuật trên cầu. HSMT cũng quy định thêm trường hợp các hợp đồng tương tự không có hạng mục tường chắn, hạng mục điện chiếu sáng mỹ thuật trên cầu, hạng mục cột thép...
Theo tìm hiểu, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Cầu Đầm Vạc” sử dụng vốn vay Quỹ OFID giai đoạn 2015 - 2016 từ năm 2015. Tháng 9/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) đầu tư xây dựng công trình cầu Đầm Vạc. Tháng 6/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt điều chỉnh hướng tuyến công trình và tháng 8/2019 phê duyệt điều chỉnh BCNCKT. Theo BCNCKT, thời gian thực hiện Dự án đến hết ngày 31/12/2021. Như vậy, sau 5 năm từ khi được phê duyệt danh mục dự án sử dụng vốn ODA, đến nay, dự án mang nhiều kỳ vọng phát triển của TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã chính thức mời thầu gói thầu xây lắp chính.
Đầm Vạc nằm ở trung tâm TP. Vĩnh Yên. Hiện nay, khu vực nội thị ở phía Bắc TP. Vĩnh Yên và khu vực đang phát triển đô thị phía Nam Vĩnh Yên bị phân cách bởi không gian mặt nước Đầm Vạc. Theo đơn vị tư vấn, sự ngăn cách này đã ngăn cản sự phát triển của đô thị, tạo nên một bán đảo phía Nam của Thành phố.
Trong khi đó, khu vực quanh Đầm Vạc và Nam Thành phố Vĩnh Yên đã được quy hoạch hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị mới và sân golf như: Khu đô thị Nam Đầm Vạc, Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Sân golf Đầm Vạc (đã đi vào hoạt động). Trong đó, quy mô lớn nhất là Dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên.
Giới bất động sản Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc từ lâu đã rất hy vọng vào cây cầu nối liền bán đảo phía Nam với trung tâm Thành phố. Bởi vì khi cây cầu hoàn thành có thể làm tăng giá trị nhiều dự án đô thị đang hình thành và phát triển quanh Đầm Vạc.