Các nhà thầu đã thi công đạt hơn 35% khối lượng của Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Lê Tiên |
Có nhiều vướng mắc khiến công tác thi công Dự án đình trệ hơn 10 năm qua. Trong đó, thiếu hụt vốn đầu tư là vấn đề lớn nhất. Tuy nhiên, so với thời điểm các nhà thầu phụ căng băng rôn “đòi tiền”, đến nay, không khí thi công tại đại công trình này đã khả quan hơn hẳn. Và việc giải ngân vốn ngày 9/3/2020 được xem là bước ngoặt cho tiến độ chung của Dự án.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư) cho biết, hồ sơ giải ngân và các điều kiện tiên quyết trước ngày giải ngân đã đảm bảo theo quy định của hợp đồng tín dụng.
Trước đó, ngày 16/12/2019, tại Tiền Giang đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT. Theo đó, tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng là 6.686 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank cam kết cho vay 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, Agribank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, tiến độ giải ngân vốn cho Dự án rất chậm. Vướng mắc lớn nhất chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền - UBND tỉnh Tiền Giang chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan đến Dự án mà ngân hàng cấp tín dụng yêu cầu.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trong quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tuyến đường này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51,5 km. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020 sẽ kết nối thông tuyến, năm 2021 hoàn thành toàn bộ Dự án. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Đây là dự án giao thông được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng cam kết tài trợ vốn, trong đó có VietinBank với vai trò là ngân hàng đầu mối, phải cung cấp đủ vốn như đã cam kết.
Riêng Gói thầu xây lắp 08 do Công ty CP Hoàng An thực hiện đang chậm tiến độ 13% so với cam kết. Gói thầu này gồm xây dựng đoạn tuyến dài hơn 2 km, thi công cầu Kênh Xáng, cầu Kênh 2A. Mặc dù Nhà thầu đã được Nhà đầu tư hỗ trợ trong việc cung cấp vật liệu, thuê thiết bị, nhưng tiến độ thi công vẫn không được đảm bảo. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Hoàng An cho biết, thực sự khó khăn do việc bố trí vốn bị ngưng trệ. Nhà thầu này cam kết sẽ đốc thúc thi công để đáp ứng tiến độ đề ra, không làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Nhà đầu tư tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh các giải pháp kỹ thuật để thực hiện thi công đúng tiến độ đã đề ra. Mục tiêu là cho xe dưới 20 chỗ ngồi lưu thông vào cuối năm nay và khánh thành đưa vào sử dụng vào năm 2021. Do đó, khối lượng công việc đối với các nhà thầu xây lắp tại 19 gói thầu này là rất lớn. Việc giải ngân vốn của các ngân hàng có vai trò rất lớn để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch.