Đồng bộ chính sách, khơi thông động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, kinh tế 9 tháng đầu năm đã đạt những kết quả ấn tượng, song có nhiều yếu tố cho thấy nền kinh tế vẫn đang yếu, các chính sách hỗ trợ dường như không theo kịp nhu cầu thực tế. Do đó, nhiều đại biểu đề xuất giải pháp vĩ mô cần rõ nét, thực chất hơn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%. Ảnh: Lê Tiên
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%. Ảnh: Lê Tiên

Các đại biểu cho rằng từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%.

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Nam Định) cho rằng, kinh tế Việt Nam đã đạt bước tiến quan trọng trong quá trình hồi phục với GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 15,68% và 15,84%. Song cũng cần phải nhìn nhận rằng, tuy bề ngoài tăng trưởng nhưng nhu cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức bán lẻ thực tăng dưới 5% và thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi kinh tế đến chủ yếu từ hồi phục xuất khẩu và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Bên cạnh đó, thu ngân sách tăng mạnh, còn chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư công rất chậm và 9 tháng đầu năm tiếp tục thặng dư ngân sách, nâng tổng số năm thặng dư ngân sách liên tục là 3 năm. Từ đó cho thấy nền kinh tế chưa khỏe, rất cần hỗ trợ vì chính sách tài khóa dường như không theo kịp nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nếu nhu cầu của kinh tế thế giới giảm vì lý do khách quan sẽ kéo theo cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng giảm.

Động lực từ tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh trong 9 tháng (tăng trưởng 8,8%), nhưng còn thấp so với trước dịch. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công.

Từ những bối cảnh trên, theo đại biểu Trần Thị Quỳnh, cần phải có những giải pháp vĩ mô rõ nét hơn trong thời gian tới. Cụ thể là tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, duy trì việc giảm thuế VAT, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai. Bên cạnh đó, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu của người dân. Tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước nên hướng dòng chảy tín dụng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến, xuất khẩu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đồng tình với báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội là phấn đấu tăng trưởng từ 6,5 - 7% và cao hơn nữa là 7 - 7,5% năm 2025, đồng thời nêu một số ý kiến cần bàn luận để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.

Về các động lực tăng trưởng, điểm đáng chú ý là xuất khẩu 9 tháng tiếp tục tăng trưởng, song khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 28%. Vì vậy, cần phải có chính sách để kết nối khu vực FDI với các doanh nghiệp trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản. Đồng thời chú ý đến việc xuất khẩu tại chỗ thông qua khuyến khích phát triển du lịch.

Bên cạnh xuất khẩu, điểm sáng thứ hai là tổng vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng lên, nhưng khu vực doanh nghiệp trong nước tăng thấp trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao. Do đó, cần có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Mặt khác, ông Ngân cho rằng, động lực từ tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh trong 9 tháng (tăng trưởng 8,8%), nhưng còn thấp so với trước dịch. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025, bởi đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Cần tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công nhằm tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên
Cần tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công nhằm tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 là giai đoạn có ý nghĩa rất quan trọng để tập trung phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, nhiệm vụ phía trước là rất nặng nề, dự báo cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm một số vấn đề.

Đó là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối, các chương trình mục tiêu quốc gia, nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Chuyên đề