Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh:Scott Olson |
Donald Trump, tỷ phú có nhiều thập niên sống theo phong cách của một tay chơi, đối xử khắt khe với các nhà thầu, thuê người nhập cư bất hợp pháp làm công, ủng hộ các lý tưởng tự do và từng xem vợ chồng Bill và Hillary Clinton như những người bạn và đồng minh, đã tạo ra một trong những bước xoay chuyển táo bạo nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông quảng bá bản thân đến cử tri Mỹ như một người hùng của chủ nghĩa dân túy, người hiểu được những nỗi thất vọng của họ và nhờ vậy, mang đến cho ông chuỗi chiến thắng ồ ạt, theo Washington Post.
Trump đã làm nên điều này đúng như cách ông thực hiện trong hơn 30 năm qua. Đó là phớt lờ các quy tắc của nền chính trị hiện đại và nói chuyện với người dân Mỹ bằng ngôn ngữ bình dân hàng ngày, thậm chí có phần thô lỗ.
Với bản năng không kiềm chế, không ngượng ngùng, ông đã cười nhạo các lý tưởng và thuyết phục cử tri bằng chủ nghĩa thực dụng thẳng thừng, thô ráp. Ông nói những gì mọi người muốn nghe, đó là phải đưa xã hội đang vụn vỡ và thay đổi nhanh chóng quay trở về phục vụ cộng đồng, để giành lại việc làm đã bị mất và khôi phục nền kinh tế ở thời kỳ tiền toàn cầu hóa.
Ông Trump đã tranh cử với giới tinh hoa chính trị và đã chiến thắng. Cho dù ông sinh ra trong một gia đình giàu có, thích khoe khoang của cải và có cuộc sống như một bậc đế vương, Trump vẫn xác định cuộc bầu cử này là một "cuộc nổi dậy" của người dân chống lại tất cả thiết chế đã làm họ vỡ mộng.
Đó là các nhà chính trị, các đảng phái và thiết chế cầm quyền Washington, truyền thông, Hollywood, giới học giả và tất cả tầng lớp giàu có, có giáo dục cao của xã hội vẫn sống tốt trong suốt thời kỳ các gia đình trung lưu lao đao. Ông thề ông sẽ thay đổi triệt để guồng máy chính trị Washington, sẽ "tháo sạch nguồn nước độc hại ở đầm lầy Washington".
Chống lại các quy tắc
Ông Trump đã chống lại các quy tắc lâu đời chi phối cách mà mọi người nói về chính trị và ông đã giành chiến thắng. Các chuyên gia chính trị từ đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ từng đều cười nhạo việc ông không xây dựng được cuộc vận động tranh cử hiện đại dựa vào phân tích dữ liệu. Song ông Trump tin tưởng vào cảm giác của mình và tin rằng thông điệp và phong cách của ông sẽ kết nối được với cách mà người Mỹ thẩm thấu tin tức.
Hơn bất cứ chính trị gia tầm cỡ nào trong kỷ nguyên số, ông Trump thấy được cách mà mạng xã hội chia đất nước thành các phe nhóm văn hóa và lý tưởng tách biệt nhau.
Ông thấy được cách mà Facebook và Twitter làm mờ đi ranh giới giữa vấn đề chung và cá nhân. Ông đã tận dụng sự thay đổi văn hóa này và tự biến mình thành một "ống xả" để xả ra những nỗi thất vọng và tức giận mà nhiều người khác hoặc sẽ giữ kín trong lòng hoặc nói ra ở hình thức nặc danh.
Sự thay đổi về cách mọi người tương tác với nhau trên Internet giống gần như hoàn toàn phong cách cá nhân của ông Trump - bốc đồng, nhanh chóng đáp trả khi bị chỉ trích và sẵn sàng tấn công đối thủ. Ông tạo ra một giọng điệu tranh cử mới, một cú đột phá về quảng bá, làm thay đổi mạnh mẽ các cảm xúc và kỳ vọng trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống.
Ông Trump thắng vì ông hiểu được rằng sự nổi tiếng sẽ bảo vệ ông trước những tiêu chuẩn khắt khe mà các chính trị gia thường tuân thủ. Ông thắng vì ông hiểu rằng cách hành xử gây sốc và những lời nhận xét "quá lố" của ông chỉ càng củng cố hình ảnh của ông là người nói sự thật, quyết đoán và nói được làm được. Ông đã chiến thắng vì ông có gần 40 năm xây dựng hình ảnh một con người giàu có, yêu bản thân, táo bạo và khó đoán đến mức mọi người tin rằng ông chẳng cần kiêng nể ai, cây bút Marc Fisher của Washington Post nhận xét.
Trong hành trình tranh cử, ông Trump phải chống lại hàng loạt lời cáo buộc rằng ông sàm sỡ phụ nữ, những câu chuyện dồn dập xuất hiện gần như mỗi ngày về cách hành xử thô lỗ và những lời lăng mạ thô tục của ông, nhưng rồi việc này cũng chẳng thể cản bước tỷ phú.
Một ngày sau khi Washington Post tung đoạn video cho thấy ông Trump khoe khoang về việc sàm sỡ phụ nữ, Shannon Barns, một người ủng hộ ông ở Syracuse, New York nói rằng đoạn video chỉ khiến bà thêm tin tưởng rằng ông Trump nên được bầu làm tổng thống.
"Đối với tôi, hành động đó cho thấy phần người của ông ấy. Tôi từng lo ngại ông ấy là một tỷ phú không biết gì về cuộc sống của những người dân chúng tôi. Đoạn video đã cho tôi thấy rằng ông ấy là một người đàn ông như bao người khác. Hẳn mọi người cũng hiểu là mọi đấng mày râu đều có những cuộc tán gẫu như thế", bà Barns nói.
Cử tri ủng hộDonald Trump reo hò khi ôngchiến thắng. Ảnh:AP
Tỷ phú của người lao động tay chân
Ông Trump tự gọi mình là "tỷ phú của những người lao động tay chân" và mặc dù ông sống một cuộc sống khá tách biệt, làm việc và nghỉ ngơi tại tòa tháp Trump, không có bạn bè thân và rất ít cố vấn tâm phúc, ông tin ông hoàn toàn có thể giành được nhiều con tim người Mỹ như ông từng nói: "Tôi có thể đứng giữa Đại lộ số 5 (ở New York) và bắn ai đó nhưng vẫn không mất cử tri".
Bị giới thượng lưu ruồng bỏ ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp với tư cách là nhà phát triển bất động sản ở Manhattan, New York vào đầu thập niên 1970, ông Trump đã nhiều lần công kích đối thủ không thương tiếc. Các gia tộc bất động sản tiếng tăm ở New York từ lâu cười nhạo ông Trump vì xem ông như một gã nhà giàu mới nổi, thô kệch, ngông nghênh xâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh vốn dựa vào các hoạt động lặng lẽ và mang tính ngoại giao. Các ngân hàng xem ông như một đứa trẻ vị thành niên mất kiểm soát và cần phải dạy cho một bài học. Các chính trị gia mỉa mai ông để rồi sau đó đổ xô đến bên ông để hưởng một chút sự nổi tiếng.
Ông Trump chiến thắng tất cả họ hết lần này đến lần khác bằng cách hấp dẫn người dân, khách hàng và những người ngưỡng mộ. Dù ông đang thành công với những tòa nhà chọc trời, các sòng bài hay đang thất bại vì trải qua 6 lần phá sản, ông đều trở lại với công việc ở chương trình truyền hình và truyền thông để chứng tỏ bản thân trước những người dân Mỹ bình thường.
Bằng cách tự giới thiệu mình như "thuốc giải độc" đối với các lý tưởng và bổn phận trung thành của đảng Cộng hòa và Dân chủ, tự đặt bản thân vào thế chống lại cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa cũng như mối quan hệ nồng ấm của họ với giới tài chính Phố Wall, giới sao Hollywood và phần còn lại của tầng lớp giàu có, ông Trump tuyên bố rằng con đường chiến thắng của ông là phụ thuộc vào cử tri bình dân.
Cử tri của Trump dường như bị thu hút bởi cách ông tự đặt mình vào thế chống lại tầng lớp thượng lưu hơn là thông điệp chính sách. Thậm chí, đề xuất xây dựng bức tường biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư Mexico - lập trường đáng chú ý nhất trong chương trình vận động tranh cử - dường như không phải là mối quan tâm hàng đầu của những người ủng hộ ông. Kết quả khảo sát hậu bỏ phiếu cho thấy đa số cử tri phản đối xây dựng bức tường này. Cứ 10 cử tri thì 7 người cho rằng hầu hết người nhập cư bất hợp pháp nên được trao cho cơ hội trở thành người cư trú hợp pháp.
Ông Trump thích việc tranh cử chống lại Hillary Clinton, người mà ông đánh giá là mạnh mẽ, hăng hái nhưng không có khả năng kết nối với cử tri tầng lớp bình dân. Ông đã hạ bệ danh tiếng xây dựng nhiều thập niên qua của bà Clinton, từ chỗ một chính trị gia linh hoạt với ngôn ngữ rất hành chính và hình ảnh được giữ gìn cẩn thận sang chân dung tức giận, tàn úa của "một Hillary gian trá".
Ông Trump tin rằng thông qua việc sử dụng sáng tạo truyền thông, ông có thể xây dựng một hình ảnh truyền cảm hứng cho những người dân bình thường muốn trở thành người như ông.
"Ông tin rằng nếu ông tạo ra hình ảnh đó đủ thuyết phục, ông có thể trở nên giàu có, quyền lực và cuối cùng có thể vươn lên chức vụ cao nhất của nước Mỹ. Và ngày 8/11, ông đã chạm đến bước cuối cùng trên con đường thăng tiến dài nửa thế kỷ".