Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (tỉnh Bạc Liêu) đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: St |
Đẩy nhanh tiến độ các đại dự án
Bộ NN&PTNT cho biết, có 5 dự án công trình phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL sử dụng vốn ngân sách nhà nước do bộ này làm chủ đầu tư đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019 - 2020, gồm: Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới; 3 cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh thuộc Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít; Dự án Hệ thống thủy lợi trạm bơm cống Xuân Hòa; Dự án Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu; 18 cống Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 với diện tích trực tiếp được kiểm soát khoảng 83.000 ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000 ha đất canh tác. Tổng mức đầu tư của 5 dự án này lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay, 11 dự án khác đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn tại ĐBSCL.
Tại Bến Tre, Dự án Quản lý nước Bến Tre với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Nhật Bản, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư đang được triển khai. Theo đó, 8 cống và 1 trạm bơm sẽ được xây dựng tại 6 huyện và TP. Bến Tre. Khi hoàn thành, công trình sẽ ngăn triều cường và ứng phó với nước biển dâng, kiểm soát mặn cho trên 200.000 ha đất tự nhiên thuộc 9 huyện và TP. Bến Tre.
Dự án Đắp đập hai đầu sông Cửa Trung (Tiền Giang) để tạo thành hồ chứa nước gần 900 tỷ đồng cũng đang được các nhà thầu tích cực thi công. Công trình sẽ đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho hơn 44.000 dân huyện Tân Phú Đông vào mùa hạn mặn.
Được khởi công vào cuối tháng 11/2018, Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (tỉnh Bạc Liêu) đã cơ bản hoàn thành, giúp bảo toàn cho ít nhất 40.000 ha đất nông nghiệp của địa phương trong vụ Đông Xuân. Công trình đang được chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công tập trung toàn bộ phương tiện, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10, cống đưa vào sử dụng sớm sẽ kịp thời trữ nước ngọt từ Hậu Giang, Sóc Trăng chuyển về và ngăn nước mặn từ biển tràn vào.
Đặc biệt, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mới được khởi công tại Châu Thành, Kiên Giang vào đầu tháng 11/2019. Đây là đại dự án huy động gần như toàn bộ các nhà thầu tiềm lực chuyên thi công đê, kè, thủy lợi của Việt Nam. Công trình được đầu tư 3.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Hiện nay, các nhà thầu đang tăng tốc thi công và theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, một số nhà thầu đã vượt tiến độ đề ra. Dự kiến giữa năm 2021, Dự án sẽ đi vào vận hành. Đến năm 2025, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai dự án đưa nước ngọt từ sông Cái Bé, Cái Lớn về phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân tỉnh Cà Mau.
Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, Bộ NN&PTNT và các địa phương tại khu vực ĐBSCL đang quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra.
Chỉ thị số 04 nêu rõ, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản... để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn; cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có ở vùng ảnh hưởng triều, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước.
Theo đó, cần huy động nguồn lực ngân sách trung ương rất lớn để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung (Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng 3 công trình, Kiên Giang 5 công trình); mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho các hộ dân khu vực lân cận như Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang…
Đồng thời, phải xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt (Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang); khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng.
Trong khi đó, từ phía các tỉnh, kinh phí triển khai các dự án ứng phó hạn mặn cũng đặt ra áp lực rất lớn. Riêng tỉnh Bến Tre đề xuất Trung ương hỗ trợ trên 1.150 tỷ đồng ứng phó hạn mặn, dự kiến để xây dựng, hoàn thiện một số công trình, dự án ngăn mặn, cung cấp nước ngọt trên địa bàn Tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, để ứng phó với hạn mùa khô 2020, Kiên Giang đã chủ động triển khai đắp 196 con đập vào thời điểm thích hợp nên những thiệt hại mà hạn mặn gây ra chưa nhiều. Tuy nhiên, việc đắp đập ngăn mặn hàng năm khiến cho Tỉnh tốn một khoản kinh phí quá lớn, ngân sách địa phương rất khó sắp xếp, phân bổ.