Ảnh minh họa. |
Kỳ thay đổi cơ cấu chỉ số VN30 đầu tiên của năm 2019 đã thêm vào nhiều cổ phiếu mới và thay đổi tỷ trọng của nhiều cổ phiếu khác. Đã xuất hiện "đại gia" mới của chỉ số này là TCB khi vượt trên cả VNM, VIC để giữ ngôi đầu.
Chỉ số VN30 trong kỳ từ 11/2 - 2/8/2019 đã xuất hiện thêm TCB, VHM, HDB và EIB, trong khi loại bỏ PLX, KDC, BMP và HSG. Chỉ số này quan trọng từ khi được sử dụng để làm tài sản cơ sở cho hợp đồng tương lai.
Cũng giống như VN-Index, Vn30-Index được tính toán dựa trên giá trị vốn hóa nên vai trò của các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất cực kỳ quan trọng. Nếu xảy ra sự thao túng hay để phán đoán hướng đi của chỉ số, biến động giá của các mã trụ đóng vai trò quyết định.
Trong số các mã mới được thêm vào VN30 lần này, VHM là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai trong VN-Index và được trông đợi sẽ là cổ phiếu "lái" VN30-Index. Tuy nhiên VHM không thật sự trở thành "đại gia" được vì các rào cản kỹ thuật đã hạn chế sức mạnh của mã này.
Cụ thể, số lượng cổ phiếu lưu hành tính chỉ số của VHM vẫn là gần 3,35 tỷ nhưng tỷ lệ lưu hành tự do chỉ là 25%. VHM cũng bị áp giới hạn vốn hóa 47%. Nếu tính theo giá cập nhật mới nhất đến trưa ngày 22/1 thì VHM chỉ xếp thứ 7 trong rổ VN30.
Cuộc soán ngôi ngoạn mục nhất thuộc về TCB. Cổ phiếu này trong VN-Index vẫn ở "chiếu dưới", còn chưa được xếp vào nhóm vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng. TCB đứng thứ 8 trong VN-Index. Tuy nhiên sáng VN30-Index, TCB đã vươn lên giành vị trí số 1 về vốn hóa.
Có ba yếu tốt giúp TCB lên ngôi. Thứ nhất là khối lượng lưu hành tính chỉ số cao nhất rổ, vượt cả VHM. Thứ hai là tỷ lệ lưu hành tự do cao tới 65% trong khi VNM chỉ là 50%, VIC là 30%.
Thứ ba là TCB không bị giới hạn vốn hóa (100%) trong khi lần đổi rổ này, VNM "thiệt" khi giới hạn vốn hóa từ 52,65% của kỳ trước xuống 52,61% kỳ này. VIC còn giảm nhiều hơn, từ 64,09% kỳ trước xuống 47% kỳ này. Thực tế chênh lệch vốn hóa giữa VNM, VIC và TCB không nhiều nếu không thay đổi tỷ lệ giới hạn vốn hóa.
Hai cổ phiếu ngân hàng mới được thêm vào còn lại, EIB đứng thứ 17 còn HDB đứng thứ 12.
Ngoài ra cũng có hai thay đổi khác đáng chú ý là VPB bị giảm tỷ lệ lưu hành tự do từ 75% trong kỳ trước xuống 70% kỳ này làm tụt một bậc trong thứ tự vốn hóa. VRE thay đổi rất lớn tỷ lệ giới hạn vốn hóa, từ 100% kỳ trước xuống còn 47% kỳ này. VRE vì thế tụt từ vị trí thứ 7 xuống thứ 18 và không còn nằm trong nhóm chi phối VN30-Index.
Như vậy với sự tham gia của 3 mã ngân hàng mới, VN30-Index đã trở thành chỉ số phản ánh biến động giá của nhóm này. 8 mã ngân hàng trong rổ VN30 theo thứ tự xếp hạng là TCB, VPB, MBB, HDB, STB, VCB, EIB, CTG chiếm gần 33% giá trị vốn hóa của chỉ số. Nhóm Vingroup với VIC, VHM và VRE chiếm 14,8% rổ. Top 10 cổ phiếu lớn nhất chỉ số VN30-Index là TCB, VNM, VIC, MSN, HPG, VPB, VHM, VJC, MBB, MWG chiếm 63,5% rổ.
Chỉ số VN30-Index mới sẽ bắt đầu được tính từ ngày 11/2/2019. Do thị trường sẽ nghỉ một tuần Tết nên hoạt động tái cơ cấu sẽ được diễn ra và kết thúc trong tuần sau. Theo ước tính của công ty chứng khoán SSI, để mua mới 4 cổ phiếu, gần như toàn bộ các mã đang có sẵn sẽ bị bán bớt. VIC, VRE, VPB bị thay đổi tỷ lệ giới hạn vốn hóa nên sẽ bị bán nhiều nhất. HPG, MBB, STB cũng sẽ bị bán khá lớn.
Các giao dịch này sẽ ảnh hưởng lớn đến biến động chỉ số VN30-Index ở ngày tái cơ cấu vì các mã bị bán đều nằm trong Top 10 vốn hóa của chỉ số "cũ". Trong khi đó các cổ phiếu lớn mới được thêm vào lại chỉ phát huy hiệu lực từ sau đó.