Đọc nhầm gấp 10 lần án phí vụ ly hôn vợ chồng chủ Trung Nguyên

Ông Vũ và bà Thảo được chia số tiền 8.229 tỉ đồng vì thế án phí 2 người phải nộp lên tới hơn 80 tỉ đồng. Tuy nhiên đối chiếu với quy định về án phí dân sự sơ thẩm, mức án phí của vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo không cao tới mức như vậy.

Ngày 27/3, TAND TPHCM đã tuyên án vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).

Theo đó, tòa chấp nhận yêu cầu thuận tình ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, về tài sản chung tòa chia theo tỉ lệ 60/40, ông Vũ được 60% và bà Thảo được 40%, ngoài ra tòa cũng giao tòa bộ cổ phần tại Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý và ông Vũ phải có trách nhiệm thanh toán số tiền chênh lệch cho bà Thảo. Ông Vũ và bà Thảo được chia số tiền 8.229 tỉ đồng vì thế án phí 2 người phải nộp lên tới hơn 80 tỉ đồng.

Tòa đọc nhầm án phí 8 tỉ đồng thành 80 tỉ đồng?

Cụ thể, HĐXX xác định tổng cộng khối tài sản chung của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo gồm các bất động sản, tiền, vàng trong tài khoản ngân hàng và cổ phần ở các Công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên là 8.229 tỉ đồng.

Trên cơ sở đó, hội đồng xét xử xác định số tiền đóng án phí của các đương sự như sau: Về án phí ly hôn sơ thẩm, bà Thảo phải chịu 300.000 đồng. Án phí tài sản bà Thảo phải chịu 33,7 tỉ đồng. Án phí tài sản mà ông Vũ phải nộp là 48,7 tỉ đồng.

Tổng cộng số tiền án phí của ông Vũ và bà Thảo phải đóng theo bản án hơn 80 tỉ đồng.

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, án phí dân sự sơ thẩm từ trên 4 tỉ đồng được tính như sau: 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng. Đối chiếu với quy định này, án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 8.229 tỉ đồng tranh chấp chỉ hơn 8 tỉ đồng. Như vậy, án phí tòa án tuyên buộc các đương sự trong vụ án này nộp gấp 10 lần án phí theo quy định.

Theo luật sư Lê Thành Trung (Đoàn luật sư TPHCM) Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu án phí và lệ phí tòa án. Tại điểm a Khoản 7 Điều 27 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm liên quan đến chia tài sản chung. Theo đó, "mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung".

Cụ thể, theo "Danh mục án phí, lệ phí tòa án" ban hành theo Nghị quyết số 326 có quy định về án phí dân sự sơ thẩm, cụ thể là tại Mục 1.3 "đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch" thì sẽ căn cứ vào giá trị tài sản để tính, theo đó đối với tài sản có giá trị từ 4 tỉ đồng trở lên, sẽ áp dụng theo công thức:

112.000.000 đồng + 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng

Như vậy, trong vụ ly ông của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo, nếu tòa án xác định tổng giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là 8.229 tỉ đồng, số tiền án phí sẽ tương ứng là 8,3 tỉ đồng.

Theo một chuyên gia pháp lý nếu nhận thấy bản án có sai sót nhỏ như sai chính tả, tính toán nhầm lẫn... thì HĐXX ra quyết định đính chính bản án. Kể cả khi hội đồng xét xử tuyên án nhưng chưa phát hành bản án thì vẫn phải đính chính bản án kịp thời.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, trường hợp nếu bản án có tính sai về án phí, căn cứ điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị để tòa án cấp phúc thẩm xem xét xử lý.

Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân xác nhận có sự nhầm lẫn trong cách tính án phí trong vụ ly hôn giữa ông Đặng  Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

“Vì bản án quá dài, đọc hơn 3 tiếng đồng hồ nên đã có sự nhầm lẫn trong lúc đọc. Tính ra, bà Thảo chỉ nộp án phí tài sản là hơn 3 tỉ đồng, ông Vũ nộp án phí tài sản hơn 4,7 tỉ đồng. Khi phát hành bản án, tòa sẽ phát hành con số chính xác dựa vào cách tính theo luật định”, chủ tọa Nguyễn Văn Xuân nói.

Ông Xuân cũng cho biết nếu bản án đã phát hành rồi thì phải đính chính bằng văn bản nhưng hiện nay chưa phát hành bản án nên HĐXX sẽ điều chỉnh lại cho chuẩn.

Chuyên đề