Tái cơ cấu DNNN để cạnh tranh công bằng

(BĐT) - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra còn chậm, hoạt động kinh doanh của khối DN này chưa thực sự cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác... khiến DNNN đang đứng trước thách thức gay gắt của yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. 
Các quy định về cạnh tranh cần được thực thi một cách nghiêm ngặt nhằm nâng cao hoạt động của DNNN. Ảnh: Lê Tiên
Các quy định về cạnh tranh cần được thực thi một cách nghiêm ngặt nhằm nâng cao hoạt động của DNNN. Ảnh: Lê Tiên

Xác lập thể chế thúc đẩy quá trình này là rất cần thiết nhằm tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Cạnh tranh chưa thực sự công bằng

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, thể chế quản lý DNNN tiếp tục được hoàn thiện, chính sách quản lý DN và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN đã được ban hành. Tuy nhiên, nếu soi chiếu dưới yêu cầu đảm bảo và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường thì tái cơ cấu DNNN mà nòng cốt là cổ phần hóa vẫn tiến triển rất chậm, chưa tạo ra các thay đổi lớn về phạm vi hoạt động, chất lượng quản trị cũng như hiệu quả kinh doanh của DNNN. 

Nhìn dưới góc độ cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, ông Hùng nhấn mạnh, đến nay, Nhà nước quản lý việc cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thông qua cơ chế đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Trên thực tế, việc đấu thầu, đặt hàng được áp dụng rất hạn chế, mà nguyên nhân là do các cơ quan quản lý (bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) chưa ban hành được định mức việc sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Trong một số trường hợp còn chưa xác định được khối lượng sản phẩm dịch vụ công ích cần thiết, do vậy chủ yếu vẫn dùng phương thức kém thị trường là giao kế hoạch, làm hạn chế sự tham gia của các DN tư nhân.

Đề cập vấn đề này, TS. Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng cho biết, mỗi năm TP. Hà Nội dành khoảng 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho các dịch vụ công ích với việc thu gom chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải đô thị… Đáng tiếc là khoảng một nửa số tiền này chi theo phân cấp, chưa qua đấu thầu. Tại TP. Đà Nẵng thì gần như 100% việc lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ năm 2016 là thông qua đặt hàng, giao kế hoạch, không có đấu thầu…

Liên quan đến vấn đề này, tại Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ chỉ ra, DNNN vẫn có nhiều ưu thế trong phân bổ nguồn lực. Ở một số lĩnh vực độc quyền nhà nước như điện, cấp nước sạch, xăng dầu, dịch vụ công ích thiết yếu, cơ chế định giá chưa theo nguyên tắc thị trường, thiếu sự minh bạch dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân khi muốn tham gia vào những thị trường này. 

Tăng đấu thầu cạnh tranh

Nhấn mạnh quan điểm cạnh tranh là linh hồn của kinh tế thị trường, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để có một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại thì bên cạnh việc phải xây dựng và tiếp tục hoàn thiện khung thể chế tốt giúp cho cơ chế cạnh tranh được vận hành một cách đầy đủ, Việt Nam cần đảm bảo các quy định này trên thực tế được thực thi một cách nghiêm ngặt và triệt để nhằm nâng cao hoạt động của DNNN để loại hình kinh tế này cạnh tranh công bằng với các DN khác mà không cần đến sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước.

Theo hướng này, ông Hùng đề xuất một loạt giải pháp cụ thể để xác lập thể chế thúc đẩy tái cơ cấu DNNN như: Nhất quán tư tưởng chính sách về vị trí và vai trò của DNNN Việt Nam; giảm tỷ trọng, ảnh hưởng của khu vực DNNN; phân loại DNNN tương ứng với hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu; hoàn thiện thể chế cổ phần hóa DNNN để thúc đẩy quá trình đã xác định; hoàn thiện thể chế để xác lập can thiệp của chủ sở hữu đến DNNN phù hợp với thông lệ quản trị, không tác động trực tiếp làm méo mó thị trường…

Từ hạn chế trong cung ứng các dịch vụ công ích, ông Hùng nhấn mạnh quan điểm, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành quy định về quản lý định mức sản xuất cung ứng và khối lượng sản phẩm dịch vụ công ích, làm cơ sở áp dụng phương thức đấu thầu có tính thị trường hơn, mở rộng cơ hội tham gia của khu vực tư nhân, tiết giảm nguồn lực của DNNN nhằm tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần thiết khác.

Cũng theo ông Hùng, Nhà nước tăng cường việc lựa chọn nhà đầu tư làm chủ các dự án, lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án. Theo đó, cần nghiên cứu ban hành quy định về công khai danh mục dự án đầu tư của Nhà nước và có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư mà không phân biệt các thành phần kinh tế, để mọi thành phần đều được bình đẳng như nhau đối với các hỗ trợ từ Nhà nước…

Chuyên đề