Triển vọng lạc quan lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 6%, 5,8% hay 5,5% là những dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ các định chế tài chính uy tín thế giới như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB). Sự lạc quan về triển vọng kinh tế cũng được thể hiện thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh của nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Là lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023, bất động sản (BĐS) đã dần hồi phục trở lại từ quý III/2023. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, những tín hiệu tích cực trong quý I/2024 từ quốc tế cùng với sự phục hồi kinh tế trong nước (tiêu dùng, du lịch, sản xuất) sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam tiến gần hơn đến điểm đảo chiều.

Lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2024, nhiều “đại gia” BĐS như Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG Corp), Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest, Tổng công ty CP Địa ốc Sài Gòn… đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay (xem bảng).

Thị trường BĐS hồi phục cũng giúp các lĩnh vực liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng… kỳ vọng tăng trưởng trở lại. Theo Kết quả khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp được Vietnam Report công bố mới đây, 52,6% doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn. Trong khi đó, 36,9% số doanh nghiệp dự báo ngành xây dựng chưa có nhiều sự cải thiện, gần như giữ nguyên trạng thái trong năm qua và 10,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn.

Trong ngành thép, các “ông lớn” như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát dự kiến lợi nhuận ròng năm 2024 tăng 47% lên 10.000 tỷ đồng (riêng quý I/2024 đạt 2.869 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước); Tổng công ty Thép Việt Nam dự kiến có lãi trở lại 120 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen dự kiến tăng trưởng lãi ròng ít nhất 12,33 lần lên mức 400 tỷ đồng…

Một lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng rất lớn trong nhiều năm qua là hàng không được SSI Research đánh giá sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024 nhờ lượng khách quốc tế dự kiến tăng trở lại mức trước dịch Covid-19. Nhìn lại năm 2023, SSI Research nhận xét, khách quốc tế phục hồi rất mạnh nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch Covid-19. Điều này khiến ngành hàng không khu vực rơi vào tình trạng dư cung và khó khăn khi giá vé máy bay thấp trong khi chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các hãng hàng không.

Mới đây, hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết, quý I/2024 đạt doanh thu 491 tỷ đồng và lần đầu có lãi ròng 10,1 tỷ đồng sau 3 năm đi vào khai thác. Các hãng hàng không khác như Vietnam Airlines, Vietjet Air chưa công bố tình hình kinh doanh quý I/2024 và kế hoạch năm 2024.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Thống kê cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 đã có khởi sắc, đưa cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, một số thị trường Việt Nam xuất siêu lớn như Mỹ, EU. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý đầu năm 2024 ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%); nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%).

Kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch năm 2024 của một số doanh nghiệp bất động sản. Nguồn: Báo cáo tài chính và tài liệu đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp, đơn vị tính: tỷ đồng

Kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch năm 2024 của một số doanh nghiệp bất động sản. Nguồn: Báo cáo tài chính và tài liệu đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp, đơn vị tính: tỷ đồng

Không ít doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, thủy sản… lên kế hoạch tăng trưởng trong năm 2024. Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 5/4, lãnh đạo Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công chia sẻ lạc quan về tình hình đơn hàng của năm 2024 và kỳ vọng lợi nhuận ròng năm nay đạt hơn 161,2 tỷ đồng, tăng 21%. Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân trong năm nay để hoàn thành mục tiêu lãi sau thuế 311 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2023.

Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I dự đoán tình hình ngành cá tra sẽ tích cực hơn trong năm 2024 với triển vọng phục hồi của thị trường Trung Quốc và Mỹ nhờ các chính sách hỗ trợ BĐS, kích thích tiêu dùng ở Trung Quốc cũng như lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra phile đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ (POR 19). Theo đó, mức thuế của I.D.I ghi nhận giảm từ 2,39 USD/kg xuống 0,18 USD/kg. Từ đó, I.D.I đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu năm 2024 đạt 136 triệu USD, tăng 27% so với năm ngoái.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư - kinh doanh dễ dàng hơn. Các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm. Bên cạnh những điểm sáng, một trong những vấn đề cần lưu ý là đầu tư tư nhân và tiêu dùng phục hồi còn chậm. Ông Lực khuyến nghị, thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng là kích cầu để tăng đầu tư tư nhân, tương xứng với vai trò của khu vực này.

Chuyên đề