Sẽ có thêm 3 - 4 tỷ USD phục vụ tăng trưởng kinh tế nếu hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước tăng thêm 1 điểm %. Ảnh: Lê Tiên |
Thực trạng ngổn ngang
Tại Hội thảo Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra ngày 28/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, hiệu quả tái cơ cấu khu vực DNNN thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển DN thuộc CIEM cho biết, đến thời điểm này, kết quả của tái cơ cấu danh mục đầu tư nhà nước thông qua cổ phần hóa (CPH) và việc thực hiện tái cấu trúc quản trị DNNN đều chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, CPH DNNN dù đạt 93% về kế hoạch nhưng chất lượng còn thấp. Nhà nước vẫn nắm giữ tới 81% vốn sở hữu tại các công ty cổ phần, trong khi tỷ lệ này của nhà đầu tư bên ngoài và nhà đầu tư chiến lược lần lượt chỉ là 9,5% và 7,3%. Từ năm 2016 đến nay, tình hình CPH DNNN tiến triển hết sức chậm chạp, chất lượng CPH chưa có dấu hiệu cải thiện. Năm 2016, cả nước mới CPH được 52 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Còn trong 5 tháng đầu năm 2017, cả nước chỉ CPH được 13 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp.
Cũng theo ông Trung, mặc dù quy mô DNNN (vốn điều lệ) thực hiện CPH ngày càng lớn, nhưng khối lượng cổ phần đấu giá lần đầu vẫn còn thấp so với vốn điều lệ; tỷ lệ cổ phần trúng giá và giá bán cổ phần cũng chưa đáp ứng yêu cầu. “Giá bán trung bình chỉ đạt 13.000 đồng/cổ phần; khối lượng cổ phần trúng giá đạt 60% cổ phần bán ra, nhưng chỉ tương đương 12,2% vốn điều lệ; thậm chí 30% DN chỉ bán được dưới 2% số cổ phần đấu giá lần đầu”, ông Trung cho biết.
Về kết quả thực hiện tái cấu trúc quản trị DNNN, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá, mặc dù các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về vấn đề này đã xác định xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, tuy nhiên kết quả thực hiện là chưa thực sự rõ nét. Nhiều DN có nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính nhưng không bị xử lý. Đây là lý do dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn nhà nước không đạt được mục tiêu đặt ra.
Đòi hỏi hiệu quả và thực chất
Về giải pháp thực hiện nhiệm vụ nêu trên, đại diện CIEM gợi ý, trước mắt cần khẩn trương tái cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước đầu tư nhằm thu hồi tối đa vốn nhà nước từ CPH, đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cấu trúc quản trị và các mặt hoạt động của DNNN. Theo hướng này, giai đoạn tới, Việt Nam cần tập trung loại bỏ các hỗ trợ bất hợp lý trên thực tế để tạo áp lực và động lực cho DNNN kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, khẩn trương thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.
Đồng thuận với các giải pháp nêu trên, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đánh giá, đó là những giải pháp rất khả thi, nằm trong tầm tay của những người lãnh đạo, quản lý DNNN. Tuy nhiên, theo bà Lan, hiệu quả của các giải pháp này đến đâu còn phụ thuộc vào quyết tâm “vào cuộc” của lãnh đạo DN.
Liên quan đến lo ngại của một số lãnh đạo DN về việc nếu thực hiện CPH quá vội vàng, không có sự chuẩn bị, đánh giá đúng giá trị DN thì việc bán vốn nhà nước có thể sẽ “bị hớ”, ông Nguyễn Đình Cung bày tỏ quan điểm, việc bán vốn phải thực hiện theo thị trường, lấy giá của thị trường làm căn cứ. “Thực tế cổ phiếu giao dịch được trên thị trường chứng khoán hiện chỉ chiếm khoảng 9% GDP, nếu nâng số lượng cổ phiếu giao dịch này lên thì sẽ có thêm khá nhiều vốn cho tăng trưởng kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh và cho biết, chính công tác CPH DNNN đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, góp phần mở rộng quy mô thị trường, đồng thời tăng cường sự kiểm tra, giám sát của xã hội đối với hoạt động của DNNN.