Trong năm qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều thay đổi để tạo thuận lợi cho DN. |
Nhớ lại chỉ vài năm trước đây của hệ thống ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho hay, năm 2011, khi bắt đầu tiến hành tái cơ cấu, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất lên tới 25-26% khiến đường cong chuẩn của lãi suất ngân hàng sụp đổ. Lúc này, nguy cơ rơi vào khủng hoảng thanh khoản rất nghiêm trọng. Với hoàn cảnh này, DN có thể phá sản hàng loạt, nợ xấu tăng 17-20% GDP, thị trường chứng khoán sụp đổ, tín dụng ngân hàng sụp đổ khiến tín dụng đen nổi lên như nấm.
Trong bối cảnh đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN vừa phải tiến hành tái cấu trúc, ổn định thị trường tiền tệ, xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém, vừa phải làm lành mạnh hóa các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo thanh khoản, lấy lại niềm tin của người gửi tiền cũng như người đi vay.
Vì thế, theo ghi nhận của NHNN, đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,5%/năm, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh những vẫn đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2015 giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với năm 2014 (lãi suất ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%/năm), đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011. Nhờ thế, tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn, hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế, ước tính cả năm 2015 tín dụng có thể đạt khoảng 18%.
Đặc biệt, trong năm 2016, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN đã có sự thay đổi theo hướng biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến trên thị trường trong nước và thế giới. Nhờ thế, DN buộc phải có những thay đổi về cơ cấu, quản trị để thích ứng với sự lên xuống liên tục của giá cả. Đây cũng là điều cần thiết cho DN trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Về phía hoạt động của các ngân hàng thương mại, các dịch vụ cho DN đã có nhiều cải thiện hơn. Nhiều DN cho biết, việc vay vốn hiện đã ít gặp trở ngại, thủ tục thuận lợi hơn, nhanh hơn nếu DN không có ”tiền án” nợ xấu với ngân hàng. Đặc biệt, các ngân hàng luôn phục vụ DN với thái độ tận tình, tận tâm, hướng dẫn cụ thể, thậm chí, xuống tận nơi, làm trực tiếp giúp DN.
Không những thế, nhiều ngân hàng thương mại còn đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ DN trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Tiêu biểu như, tại Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank), đối với cho vay XK, mức lãi suất áp dụng cho vay USD chỉ khoảng 3% và VNĐ khoảng 7-8%; tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB), chương trình “Chung sức cùng DN XK” đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng cho DN XK vay vốn, hỗ trợ lãi suất USD từ 2,5%/năm cho các DN có nguồn thu bằng USD; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có các gói tín dụng và hỗ trợ DN theo từng ngành nghề…
Cùng với các gói tín dụng, hầu hết ngân hàng đều đưa ra các dịch vụ nhằm hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ thanh toán, bảo lãnh hợp đồng, bảo hiểm tỷ giá... hay các dịch vụ thanh toán trực tuyến giúp DN dễ dàng truy vấn toàn bộ chứng từ đã được thực hiện. Những dịch vụ này càng đặc biệt cần thiết trong điều kiện làm việc với đối tác, khách hàng nước ngoài bởi thông lệ quốc tế, luật pháp quốc tế không phải DN nào cũng có thể nắm rõ, và trong mọi hoạt động kinh doanh, rủi ro luôn tiềm ẩn.
Có thể nói, trước bối cảnh tự do hóa thương mại, không chỉ DN mà hệ thống ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức. Vì thế, điều này cần đến sự song hành và nỗ lực thay đổi của cả hai bên để có những hỗ trợ, cùng nhau phát triển.