Định mức, giá không sát thực tế, nhà thầu càng làm càng lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, Báo Đấu thầu tiếp tục nhận được ý kiến về bất cập từ định mức, đơn giá, dẫn đến nhiều khó khăn cho nhà thầu, đặc biệt trong bối cảnh giá cả nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, nhân công tăng mạnh… Tiến độ thi công và chất lượng nhiều công trình, dự án có thể bị ảnh hưởng nếu nhà thầu đối diện với những khó khăn quá lớn.

“Định mức, đơn giá chưa theo kịp giá thị trường”

Ông Nguyễn Quốc Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Khánh

Hiện nay, giá cả nguyên vật liệu xây dựng đang tăng cao khiến các nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, khả năng thua lỗ là rất lớn.

Trong khi đó, thực tế triển khai đầu tư xây dựng cho thấy hệ thống định mức, đơn giá chưa theo sát thị trường. Đơn giá xây dựng hiện hành chưa bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ phù hợp điều kiện xây dựng và giá thị trường tại các khu vực dự án, chưa phân định rõ chi phí cố định, chi phí biến đổi… Vì vậy, trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, khả năng thua lỗ của nhà thầu xây dựng là rất lớn nếu không có giải pháp thi công tối ưu cũng như tiết giảm chi phí.

“Định mức áp dụng cho công trình đường dây tải điện chưa sát thực tế”

Ông Nguyễn Ngọc Quân, Giám đốc Công ty CP Thương mại Xây lắp công nghiệp Thăng Long

Đơn giá, định mức xây lắp trong lĩnh vực điện hiện không đủ đảm bảo cho chi phí trên thực tế. Ví dụ như việc áp dụng định mức công bố theo Quyết định 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 và Định mức 12 cho xây lắp móng công trình lưới điện. Đây là 2 bộ định mức dự toán được xây dựng với biệp pháp thi công phù hợp với các công trình dân dụng và công nghiệp được Bộ Xây dựng ban hành. Tuy nhiên, quá trình áp dụng với công trình lưới điện cho thấy nhiều bất cập, gây ra sự sai lệch lớn về biện pháp thi công, về phương thức vận chuyển vật tư, vật liệu, mức hao phí...

Ngoài ra, đối với công trình đường dây điện, tỷ lệ vật tư do chủ đầu tư cấp (gồm dây dẫn, cáp quang, cách điện và phụ kiện, kết cấu thép) chiếm tỷ trọng ít nhất 50% chi phí xây dựng và nhà thầu xây lắp có trách nhiệm bảo quản, trông giữ... cho đến khi lắp vào công trình. Do đó, cần phải có chi phí cho công tác bảo quản, trông giữ vật tư, vật liệu trong dự toán.

Chúng tôi mong muốn định mức, đơn giá của ngành điện sớm được thay đổi phù hợp với thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu.

“Cần cập nhật kịp thời đơn giá thiết bị chiếu sáng nhập khẩu”

Ông Lê Chí Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Slighting Việt Nam

Trong những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ, vật liệu, máy móc thiết bị mới trong xây lắp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công trình xây dựng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, các công trình xây lắp hiện nay đang áp dụng định mức cũ trên cơ sở công nghệ, máy móc thi công lạc hậu. Những công nghệ, máy móc hiện đại trong thi công chưa có trong định mức và đơn giá dự toán xây dựng công trình.

Đối với thiết bị chiếu sáng, Liên sở Tài chính - Xây dựng dựa trên giá công bố vật liệu xây dựng hàng quý, hàng tháng và giá cả các hãng sản xuất công bố sẽ công khai đơn giá, định mức đối với dự toán duy trì hệ thống chiếu sáng, giá ca máy và thiết bị thi công, nhân công… để cho các bên xây dựng giá dự toán, các nhà thầu áp giá vào để tham dự thầu.

Tuy nhiên, sản phẩm chiếu sáng nhập khẩu vô cùng đa dạng về mẫu mã, công nghệ…, đôi lúc đơn giá định mức chưa cập nhật được hết giá thị trường của các mặt hàng. Giá cả của hàng hóa này chủ yếu dựa theo giá đại lý nhập khẩu công bố nên khó kiểm soát giá cả thực tế, ảnh hưởng đến công tác xây dựng dự toán đơn giá, định mức.

“Nhà thầu phải chấp nhận bù lỗ để mua vật tư phù hợp”

Ông Phạm Xuân Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật và Đầu tư Phước An

Thông thường từ thời điểm lập dự toán đến thời điểm thi công thực tế là một khoảng thời gian khá dài, thậm chí có những dự án kéo dài cả năm. Đơn giá thi công đã có nhiều biến động (thường là biến động tăng) so với khi lập dự toán.

Ví dụ, đơn giá một số vật liệu giữa dự toán và thị trường tại Hà Nội mà chúng tôi đã phải mua như sau: cát mịn ML = 1,5 - 2,0, giá dự toán 76.500 nghìn đồng/m3 còn giá thị trường là 110.000 - 130.000 đồng/m3; cát vàng giá dự toán 234.000 đồng/m3, giá thị trường 380.000 - 410.000 đồng/m3; đá 1X2 giá dự toán 231.000 đồng/m3, giá thị trường 260.000 - 300.000 đồng/m3.

Bên cạnh đó, trên thị trường có nhiều phân khúc sản phẩm có chất lượng và giá thành khác nhau. Nhiều trường hợp nhà thầu phải bù lỗ thì mới có thể mua được chủng loại vật tư phù hợp với yêu cầu của chủ đầu tư.

Về máy móc, một số đơn giá chi phí thi công còn thấp và chưa phù hợp với thực tế thi công. Ví dụ với máy đào gầu 0.8 m3: đơn giá dự toán là 2,4 triệu đồng/ca, thực tế là 3,8 - 4,2 triệu đồng/ca, trong đó chưa kể đến yếu tố xăng dầu tăng giá bất thường như hiện tại. Đơn giá nhân công cũng trong tình trạng tương tự. Với biến động giá mạnh như thời gian này, nhà thầu càng làm càng lỗ.

“Cần điều chỉnh quy định về cập nhật giá dự toán”

Ông Lê Dương, Giám đốc Phòng Phát triển dự án - Công ty CP Hệ thống kỹ thuật ứng dụng (ATS JSC)

Từ năm 2020 đến nay, vật tư, thiết bị tăng giá phi mã. Sắt thép tăng 45%, xăng dầu tăng hơn 20% so với cuối năm 2021. Đối với lĩnh vực cung cấp thiết bị, nhà thầu còn phải đối mặt với tình trạng giá hàng hóa nhập khẩu đua nhau tăng. Đơn cử như chip điện tử, do khan hiếm hàng nên thời gian cung cấp, vận chuyển bị kéo dài, đội thêm chi phí, thậm chí nhiều đơn hàng bị hủy. Đó là chưa kể việc doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí khác do tác động của dịch Covid-19…

Điều này tác động rất nặng nề đến sức khỏe của doanh nghiệp, nhà thầu. Đối với những hợp đồng đã ký kết, nếu nhà thầu làm tiếp thì sẽ lỗ, bởi đa số hợp đồng đều thực hiện theo loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định. Nhà thầu chậm tiến độ thì sẽ bị phạt hợp đồng, nếu bỏ dở giữa chừng thì bị tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng…

Trong khi đó, giá dự toán, tổng mức đầu tư đều tính theo đơn giá tạm tính tại thời điểm lập dự án. Trong ngành điện, thời gian lập dự án cho đến khi nhà thầu triển khai thường kéo dài từ 2 - 3 năm. Mặc dù pháp luật về đấu thầu hiện có quy định về việc cập nhật lại giá dự toán trong vòng 28 ngày trước khi mở thầu, tuy nhiên không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện việc cập nhật. Ngay cả khi có cập nhật lại giá thì theo quy định, việc điều chỉnh giá gói thầu không được làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Nếu tham dự thầu thì chắc chắn nhà thầu sẽ phải chào vượt giá, rủi ro trượt thầu rất lớn.

Chuyên đề