Bị cáo Thới tại phiên tòa. |
HĐXX phúc thẩm quyết phải làm cho rõ dấu chấm hỏi của dư luận về vụ án có người đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhưng không đưa được ra ánh sáng người nhận hối lộ.
Theo tòa, từ tháng 8/2014 đến 2015, Lê Thị Cẩm Vân, Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976, có vai trò cầm đầu), Trần Quốc Thái (sinh năm 1971, quê Long An) và đồng phạm đã sử dụng tiền bán logo xe cho các chủ xe và tài xế trên tuyến đường từ Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM để đưa cho CSGT và Thanh tra giao thông nhằm không bị xử phạt. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với kết quả điều tra.
Trong vụ án này, Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Đội 1 Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) là trung gian đưa tiền cho CSGT để không xử phạt các xe có dán logo của Thới. Việc các bị cáo bị xử lý về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ là đúng người, đúng tội.
“Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguyên nhân dẫn đến các cá nhân tổ chức nhà nước tha hóa biến chất, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, nhiều tuyến đường nhanh chóng xuống cấp... gây bức xúc trong dư luận. Trong vụ án này có dấu hiệu cho thấy cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm và người phạm tội", tòa cấp cao nêu.
HĐXX cũng cho rằng, cáo trạng trước đó của Viện KSND tối cao nêu rất rõ những người nhận hối lộ. Trong đó, Thới đã hai lần đưa cho Chân 1,2 tỉ đồng. Chân đưa lại cho V. T.S. (Đội trưởng Đội 1 phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, đã chết) và ông Đ.H.T. (Phó phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai). Ngoài ra, cáo trạng cũng nêu đích danh nhiều cán bộ nhận tiền của Thới và Vân cùng đồng phạm. Tuy nhiên, những người này lại không được điều tra xử lý.
Nguyễn Cảnh Chân là CSGT duy nhất bị xử lý trong vụ án này.
Quá trình điều tra, Thới, Vân cung cấp số điện thoại của các CSGT này và có thể nhận diện... "Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã cho đối chất sơ sài. 80 cán bộ CSGT, thanh tra giao thông các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM không được điều tra triệt để", tòa phúc thẩm nhận định.
Theo tòa, cơ quan điều tra cho rằng chỉ có lời khai một phía, thời hạn điều tra đã hết nên không có căn cứ xử lý các cán bộ này là "chưa tiến hành đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ". Chính cáo trạng của Viện KSND có nội dung "kết quả điều tra thể hiện lời khai của các bị cáo về việc đưa hối lộ cho CSGT là có căn cứ" đồng thời kiến nghị lãnh đạo các cơ quan này xử lý.
HĐXX cấp phúc thẩm không đồng ý với kết luận của bản án sơ thẩm về số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo, cũng như số tiền các bị cáo phải nộp lại. Các cơ quan tố tụng chỉ yêu cầu các bị cáo Thới, Vân nộp lại số tiền hơn 1 tỷ đồng là đã bỏ sót số tiền đưa hối lộ phải sung công quỹ. "Những sai sót của cấp sơ thẩm, tòa phúc thẩm không có khả năng khắc phục nên buộc phải hủy án", HĐXX nêu quan điểm.